Non nước Việt Nam

Công bố nghệ thuật hát Aday là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Cập nhật: 21/04/2022 05:00:04
Số lần đọc: 859
Hát Aday của người Khmer xã Xà Phiên là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, có từ lâu đời, hình thức hát đối đáp của nam, nữ Khmer Nam Bộ.  


Tối 19/4/2022, tại TP. Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang tổ chức Tổng kết Liên hoan nghệ thuật các dân tộc năm 2022 và công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật trình diễn dân gian hát Aday của người Khmer xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang).

Hát Aday của người Khmer trở thành nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, đặc trưng trong các phum, sóc. Hát Aday được trình diễn trong Lễ hội Óoc Om Bóc của đồng bào Khmer Nam bộ (Ảnh: Phương Nghi)

Hát Aday của người Khmer xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) là nghệ thuật trình diễn dân gian tổng hợp, theo lối hát “nói”. Hát Aday được trình diễn trong các dịp lễ hội, dần dần hát góp vui trong các nghi lễ gia đình hay các cuộc vui trong phum, sóc. Người hát Aday là một bên nam và bên nữ vừa hát, vừa đối đáp đan xen nhau trên nền nhạc. Có khi là một lời ví von quen thuộc, khi là một lời ướm hỏi, trao nhau tình cảm thân thương, nồng nàn. Đôi khi lối hát đối đáp Aday còn kèm các điệu múa, vừa múa vừa hát đối nhau hoặc có thể hóa trang bằng mặt nạ… Họ đối nhau, bẻ nhau bằng nhiều câu hát đố, ai không đáp được coi như thua cuộc và người bạn phải cất tiếng hát đáp thay.

Múa trong hát Aday là điệu múa tổng hợp, gồm cả điệu rom vong, lăm lêu… Động tác tay múa, tay “chip” còn gọi là bắt, thể hiện sự khéo léo, đẹp đẽ, dịu dàng, kín đáo… Tay “khuôn”, còn gọi là cuộn tròn, hay cuộn vào thể hiện tính mạnh mẽ, dứt khoát. Tay “rồn”, còn gọi là che, như một tư thế che nắng, làm duyên. Tay “chòn – ol”, còn gọi là động tác chỉ, mách bảo cho biết trạng thái tâm tư (buồn, thương, giận, ghét). Cùng với động tác tay, là động tác nhích vai, lắc mông và những bước đi tình tứ, yêu đời.

Để bảo tồn, phát huy di sản hát Aday, tỉnh Hậu Giang đã đã xây dựng Đề án “Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 – 2020” với kinh phí thực hiện hơn 1 tỷ đồng. Sau 5 năm thực hiện, tỉnh Hậu Giang đã mở được 3 lớp tập huấn ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, chùa Khmer và những nơi có đông đảo đồng bào dân tộc Khmer sinh sống; thu hút hơn 100 học viên người dân tộc Khmer tham gia./.

Phương Nghi – Phi Yến

Nguồn: Báo Đảng Cộng Sản - dangcongsan.vn - Đăng ngày 20/4/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT