Tin tức - Sự kiện

Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Cập nhật: 08/08/2021 19:56:06
Số lần đọc: 846
(TITC) – Ngày 8/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.  

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ còn có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; đại biểu đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. 

Dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương có các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các các sở, ban, ngành cùng khoảng 1.200 đại biểu đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp...

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chân thành cảm ơn và chào mừng các đại biểu đã tham dự Hội nghị để cùng nhau chia sẻ và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 1 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống, kinh tế- xã hội trên toàn cầu. Tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng do chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm. Đồng thời, nhiều quốc gia đã có chiến lược chuyển sang trạng thái ‘sống chung với dịch’ để đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế trong và sau đại dịch, tránh lỡ nhịp và giảm cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế.

Ở trong nước, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thua lỗ, đời sống nhân dân nói chung và công nhân nói riêng gặp khó khăn, không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường.…

Mặc dù rất khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp nên cuộc chiến chống dịch bệnh ở nước ta đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực để thực hiện mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân và cố gắng duy trì sản xuất nhằm đảm bảo đời sống, an sinh xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bối cảnh hiện nay đòi hỏi tất cả chúng ta đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng nhiều hơn nữa. Chính phủ cảm ơn các doanh nhân, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp trong thời gian qua. Chính phủ rất quan tâm, chia sẻ và luôn đồng hành, hỗ trợ cùng các doanh nghiệp, doanh nhân khi gặp khó khăn. Đây là thời điểm “lửa thử vàng - gian nan thử sức” để vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội để phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển đất nước với tầm nhìn xa, trông rộng, gắn với dự báo tình hình trong thời gian tới.

Lãnh đạo các Bộ, ngành tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đánh giá cao trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp bằng bản lĩnh, trí tuệ vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, không đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm cuộc sống của người lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế những năm qua và 7 tháng đầu năm 2021.

Đồng thời, Thủ tướng cũng rất chia sẻ, thấu hiểu với nhiều lĩnh vực kinh doanh dù nỗ lực đến đâu cũng không tránh được sự thua lỗ, thậm chí phá sản nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, của nhân dân, đặc biệt là các ngành hàng không, du lịch...

Chính vì vậy, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức và cần có giải pháp tháo gỡ. Chính vì vậy, đây là dịp quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tinh thần chung là phải đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp; phân tích kỹ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và tìm cho được các giải pháp tháo gỡ cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong tình hình cấp bách hiện nay cũng như lâu dài. Chúng ta cố gắng chia thành nhóm vấn đề để giải quyết cụ thể và toàn diện. Đồng thời, chúng ta cần giữ vững và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nỗ lực cao nhất để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Thủ tướng nêu rõ Hội nghị tập trung vào 8 từ “Đánh giá - Giải pháp - Thiết thực - Hiệu quả”. Do thực hiện việc giãn cách cho nên Hội nghị có thành phần đến dự hạn chế, Chính phủ sẽ tiếp nhận toàn bộ ý kiến của các doanh nghiệp thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các Hiệp hội để có giải pháp chính sách phù hợp.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, từng nhóm ngành nghề để bàn sâu hơn, có giải pháp cụ thể, phù hợp hơn. Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Thủ tướng nhấn mạnh.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng sớm nhất và nặng nề nhất. Nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng kiệt quệ, không còn nguồn lực để duy trì hoạt động kinh doanh, không có nguồn thu, người lao động bị mất việc làm, đời sống khó khăn.

Công suất phòng khách sạn trung bình cả nước trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt dưới 15%, nhiều nơi chỉ đạt 10%. Kết quả trong 7 tháng đầu năm 2021, ngành Du lịch chỉ phục vụ 31 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong đó có 16,1 triệu lượt khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 136.300 tỷ đồng, giảm 34,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT