Hành trang lữ khách

Bản Mông trên núi ''Sừng Trâu'' - Lào Cai

Cập nhật: 12/05/2023 15:31:45
Số lần đọc: 596
Thôn Nhìu Cù San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát nằm trên dãy núi Nhìu Cồ San ( tiếng địa phương nghĩa là núi " Sừng Trâu")  với những ngôi nhà nhỏ ẩn hiện trong vườn đào xanh mướt đang trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch.


Nhìu Cù San - “nàng công chúa ngủ trong rừng”

Lần đầu tiên tôi đến Nhìu Cù San cách đây khoảng 2 năm, tuy nhiên, chuyến đi vội vã chưa đủ để khám phá vẻ đẹp của bản Mông xa xôi nhất xã Sàng Ma Sáo. Chuyến đi ấy để lại ấn tượng khó phai bởi vẻ đẹp của vùng đất còn nguyên sơ ít người biết tới, nhưng cũng đầy ám ảnh do con đường lên thôn cheo leo vách núi, gập ghềnh sỏi đá. Lần này, sau buổi làm việc với lãnh đạo xã Sàng Ma Sáo, mặc dù đã 11 giờ trưa nhưng tranh thủ ngày nắng, tôi vẫn quyết tâm trở lại Nhìu Cù San.

Nhiều năm gắn bó với vùng cao, tôi từng vượt qua nhiều con đường khó để đến các thôn, bản, nhưng quả thực đoạn đường 7 km từ xã Dền Sáng vào thôn Khu Chu Phìn rồi ngược lên thôn Nhìu Cù San vẫn là một thử thách khiến những tay lái cứng cũng ái ngại. Phải mất 1 tiếng đồng hồ lái xe máy, tôi mới đến được thôn Nhìu Cù San. Thật may đi vào ngày trời nắng, chứ trời mưa đường trơn trượt chắc chỉ còn cách bỏ xe đi bộ.

Nhiều du khách đến khám phá, trải nghiệm phong cảnh tại Nhìu Cồ San.

Đến đầu thôn Nhìu Cù San, con đường chia làm 2 nhánh, một đường rẽ sang trái có biển ghi tên đi đường đá cổ Pavi, cũng là đường vào xóm Chà Phà, còn một lối rẽ sang phải tiếp tục ngược dốc đến xóm Nhìu Cù San. Anh Giàng A Tếnh, Bí thư Chi bộ thôn Nhìu Cù San bảo, thôn có 110 hộ, đều là đồng bào Mông, sống tập trung thành 2 xóm. Từ xóm Chà Phà có thể đi tham quan trạm nghỉ cổ từ thời Pháp, đi đường đá cổ Pavi sang xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đây là tuyến đường đá vắt qua dãy Nhìu Cồ San được người Pháp xây dựng từ năm 1920, đến năm 1927 thì hoàn thành, tổng chiều dài khoảng 100 km. Từ xóm Nhìu Cù San có thể khám phá thác Ong Chúa, chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San cao 2.965 m, đỉnh Cú Nhù San cao 2.662 m so với mực nước biển. Trên núi có nhiều cây cổ thụ, rừng phong lá đỏ, mùa đông có thể ngắm biển mây tuyệt đẹp.

Theo chân anh Tếnh, tôi đến xóm Nhìu Cù San. Những ngày đầu xuân sau tết Nguyên đán năm 2023, Nhìu Cù San trở thành điểm đến hấp dẫn và nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ những bức ảnh chụp bản Mông ẩn hiện giữa vườn hoa đào đẹp mê hồn. Sang cuối tháng 4, hết mùa hoa, những cây đào chuyển sang màu xanh mướt, cành nào cũng sai trĩu quả non. Khác với bầu không khí oi bức ở thành phố, thời tiết trên Nhìu Cù San thật mát mẻ, dễ chịu. Thật tuyệt vời khi được dạo bước trên con đường bê tông nhỏ dẫn vào những ngôi nhà gỗ đơn sơ của người Mông nơi đây. Hai bên đường là hàng rào đá đầy hoa ngũ sắc, hoa lan đua nở.

Bí thư Chi bộ Giàng A Tếnh và Trưởng thôn Giàng A Cử trao đổi với người dân giải pháp phát triển du lịch cộng đồng.

Đến Nhìu Cù San, tôi cảm giác như lạc vào một thế giới khác, bởi nhịp sống ở đây không có chút ồn ào, khói bụi mà bình yên đến lạ. Phía sau chiếc cổng gỗ được ghép bằng hàng trăm đoạn rễ cây pơ mu là xóm nhỏ với hơn 40 nóc nhà nằm trên sườn núi, nhìn xuống phía dưới là thung lũng, suối và ruộng bậc thang. Dù địa hình dốc nhưng những ngôi nhà ở đây không quá sát nhau mà vẫn có không gian riêng bao quanh bởi những vườn đào. Nhìu Cù San đẹp vậy nhưng vẫn như “ốc đảo trên núi” ít người biết tới vì chặng đường lên thôn quá khó khăn. Bao năm qua, bản Mông xinh đẹp dưới đỉnh núi Nhìu Cù San vẫn như “nàng công chúa ngủ trong rừng”.

Để Nhìu Cù San trở thành điểm du lịch hấp dẫn

Tôi rẽ vào một số gia đình để hiểu rõ hơn về cuộc sống đồng bào Mông ở nơi xa xôi, khó khăn nhất xã Sàng Ma Sáo. Hôm nay, trong ngôi nhà gỗ nhỏ, vợ chồng anh Lồ A Giấy bận rộn trang trí nhà cửa, chuẩn bị giường đệm để đón những đoàn khách từ Hà Nội đến lưu trú trong dịp nghỉ lễ 30/4.

Anh Giấy cởi mở trò chuyện: Nhiều lần sang xã Sin Suối Hồ bên tỉnh Lai Châu, tôi thấy bản Mông ở đấy cũng giống như Nhìu Cù San, nhưng các gia đình đều làm du lịch cộng đồng có thu nhập khá. Nhìu Cù San có phong cảnh đẹp, những năm gần đây ngày càng có nhiều đoàn du khách đến leo núi, ngắm cảnh. Từ cuối năm 2022, gia đình tôi sửa sang nhà cửa, làm thêm nhà mới để đón khách du lịch. Tuy gia đình mới đón được gần 40 lượt khách nhưng thật vui vì du khách ở xa đến đây đều rất hài lòng.

Gia đình anh Lồ A Giấy dọn dẹp phòng, trang trí cảnh quan làm homestay đón khách du lịch.

Trong câu chuyện về phát triển du lịch ở thôn Nhìu Cù San, Bí thư Chi bộ Giàng A Tếnh, người đầu tiên làm nhà đón khách đến lưu trú ở đây chia sẻ: Những năm gần đây, lượng khách đến Nhìu Cù San leo núi, ngắm cảnh nhiều hơn, bà con trong thôn có thêm nghề mới là dẫn khách leo núi. Hiện nay, Nhìu Cù San được huyện Bát Xát lựa chọn để xây dựng thành điểm du lịch, bà con rất phấn khởi. Thời gian qua, hơn 40 hộ xóm Nhìu Cù San đồng lòng góp công, góp tiền cải tạo điểm đến thác Ong Chúa. Các gia đình chung tay vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng thêm hoa, cây cảnh, không thả rông gia súc để bản làng đẹp hơn, hấp dẫn hơn trong mắt du khách.

Đồng bào Mông dọn vệ sinh đường thôn sạch sẽ tạo ấn tượng đẹp với du khách đến Nhìu Cù San.

Theo anh Giàng A Cử, Trưởng thôn Nhìu Cù San, khó khăn, trở ngại nhất đối với thôn những năm qua là tuyến đường gần 7 km đến thôn vẫn là đường đá cấp phối và đường đất. Tuy nhiên, huyện Bát Xát đã có chủ trương đổ bê tông mặt đường lên thôn rộng 6 m và sẽ khởi công vào cuối năm nay. Bà con trong thôn muốn xây dựng thêm nhà để phát triển du lịch, nhưng vướng ở chỗ nhiều hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể làm nhà mới, cũng không có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng. Nhìu Cù San có 110 hộ, chỉ có 35 hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà con rất mong cấp ủy đảng, chính quyền xã sớm tháo gỡ khó khăn này.

Đến Nhìu Cù San hôm nay, cùng với những đổi thay trong nhận thức của người dân về phát triển du lịch, chúng tôi còn vui hơn khi chứng kiến nhiều hộ năng động, sáng tạo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Trưởng thôn Giàng A Cử bảo, năm 2019 thôn mới có 3 hộ đào ao ven suối Nhìu Cù San để thử nghiệm nuôi cá nước lạnh, nhưng đến nay đã có hơn 20 hộ đầu tư nuôi cá hồi, cá tầm. Cuối năm 2022, giá cá hồi, cá tầm cao, có hộ thu nhập hơn 1 tỷ đồng từ mô hình này. Tuy nhiên, Nhìu Cù San vẫn còn 77 hộ nghèo, 27 hộ cận nghèo. Vì thế, bà con cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để thay đổi cuộc sống.

Khi trao đổi với lãnh đạo xã Sàng Ma Sáo về “bài toán” giảm nghèo ở Nhìu Cù San, tôi được anh Sùng A Chứ, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: Để tạo động lực giúp người dân Nhìu Cù San thoát nghèo, Nhà nước hỗ trợ thực hiện tiểu dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực mô hình Tổ porter phục vụ khách thôn Nhìu Cù San giai đoạn 2022 - 2023” với tổng kinh phí hơn 543 triệu đồng. Vừa qua, đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành đã khảo sát đỉnh núi Ky Quan San, đường đá cổ Pavi nhằm khai thác tuyến đường này phục vụ phát triển du lịch kết nối với tỉnh Lai Châu trong thời gian tới.

Vậy là tương lai mới đang mở ra cho Nhìu Cù San, biến ước mơ, khát vọng của người dân nơi đây trở thành hiện thực.

Trần Tuấn Ngọc

 

Nguồn: Báo Lào Cai - baolaocai.vn - Đăng ngày 12/05/2023

Cùng chuyên mục