Hoạt động của ngành

Ðánh thức tiềm năng du lịch Thới Bình (Cà Mau)

Cập nhật: 07/05/2021 08:02:11
Số lần đọc: 665
“Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, huyện Thới Bình đang tập trung phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử cách mạng, văn hoá tâm linh và du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng”, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình Trần Minh Nhân cho biết.


Nghề đan mê bồ ở xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình - Mô hình trải nghiệm thú vị nếu được quảng bá đúng mức.

Hiện nay, huyện Thới Bình đã đưa các loại hình du lịch văn hoá tâm linh giới thiệu đến du khách, cụ thể như tại các điểm: Ðền thờ Vua Hùng (xã Tân Phú), chùa Cao Dân (xã Tân Lộc), chùa Rạch Giồng (xã Hồ Thị Kỷ), các đình thần và chùa Bà Thiên Hậu... Ngoài ra, các điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng cũng được các xã, thị trấn lựa chọn xây dựng thí điểm về mô hình hoạt động du lịch như tại các THT, HTX nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Út, Giám đốc HTX đan mê bồ ấp Lê Giáo (xã Biển Bạch Ðông), cho biết: “Việc HTX kết hợp làm du lịch sẽ giới thiệu được sản phẩm quê hương Thới Bình đến với du khách. Tôi thấy đây cũng là mô hình mới. Trước giờ chủ yếu chỉ đan đát và bán sản phẩm cho các mối, nếu có dịch vụ này, chắc cơ sở sẽ có thêm nhiều người biết đến”.

Không chỉ vậy, hiện nay, UBND huyện còn đang lên phương án kết hợp với người dân địa phương mở ra mô hình tour ngày và tour đêm để du khách trải nghiệm. Về tour ngày: chọn mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn trái tạo ra các sản phẩm đặc trưng của địa phương; kết hợp tổ chức trò chơi dân gian, tạo sinh khí sinh hoạt vui tươi, lành mạnh và thu hút, để du khách được trải nghiệm thực tế; từng bước hình thành, phát triển loại hình du lịch trang trại. Tour đêm: du khách sẽ được trải nghiệm đánh bắt tôm, cua, cá kết hợp sinh hoạt câu lạc bộ đờn ca tài tử và loại hình phục vụ du khách sẽ nghỉ, ngủ tại nhà người dân địa phương.

Ðể phát triển được các sản phẩm du lịch như đã nêu trên, huyện sẽ có những giải pháp khảo sát, đánh giá về tài nguyên du lịch. Huy động nguồn lực đầu tư xây dụng kết cấu hạ tầng du lịch: nâng cấp hệ thống giao thông; quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân đầu tư xây dựng, triển khai dự án cho phát triển du lịch (nhà hàng, khách sạn, trung tâm vui chơi giải trí, các dịch vụ du lịch khác…), nhằm bảo đảm các điều kiện thiết yếu cho du khách.

Ông Trần Minh Nhân thông tin thêm: “Huyện sẽ phối hợp liên kết với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện, các hộ kinh doanh du lịch và tổ hợp tác trồng cây ăn trái để hình thành các tour du lịch: tham quan nghỉ dưỡng, tìm hiểu đời sống văn hoá và tập quán sản xuất của địa phương, tham quan các vườn cây ăn trái và thưởng thức các nông sản nổi tiếng của huyện. Xây dựng kế hoạch triển khai công tác sưu tầm, khôi phục, bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá truyền thống, các di tích lịch sử văn hoá, các lễ hội, nghi thức truyền thống trên địa bàn huyện, tiếp tục phát huy giá trị loại hình đờn ca tài tử địa phương”.

Những điểm du lịch cộng đồng sẽ mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây. Qua đó nhằm bảo tồn, phát triển các ngành nghề truyền thống, các sản vật của địa phương, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện, phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách (như nghề đan mê bồ, đan lục bình mỹ nghệ, dệt chiếu… và các đặc sản ẩm thực nổi tiếng như mắm lóc Thới Bình, rượu Tân Lộc, tôm càng, lúa hữu cơ sạch Thới Bình).

Sắp tới, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về du lịch Thới Bình trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trên website huyện, phát hành các ấn phẩm, các tài liệu tuyên truyền, quảng bá du lịch… nhằm cung cấp thông tin, dữ liệu cần thiết để thu hút du khách và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào khai thác, đầu tư tại các khu, điểm du lịch tiềm năng của huyện. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi để mời gọi, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển du lịch tại huyện./.

Nguồn: Báo Cà Mau

Cùng chuyên mục