Hoạt động của ngành

Du lịch nông thôn tại TP.HCM: Nhiều tiềm năng cần được khai phá

Cập nhật: 06/05/2021 08:38:46
Số lần đọc: 1506
Hoạt động kinh tế ở các huyện thuộc TP.HCM chủ yếu dựa vào nông lâm ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. So với đô thị, môi trường sống ở nông thôn mát mẻ, còn bảo lưu được nhiều giá trị truyền thống, rất phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng.  

Theo báo cáo mới đây của UBND TP.HCM về tiềm năng, định hướng phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn, hiện tại, Thành phố có các chương trình du lịch gắn với các điểm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nhà vườn, làng nghề truyền thống tại các huyện như: “Một ngày làm nông dân”, “Màu xanh trên vùng đất thép” tại Củ Chi, “Trải nghiệm sông nước sinh thái Cần Giờ”, “Sài Gòn bức họa đồng quê” tại Thành phố Thủ Đức...

Du khách tham quan tại Cần Giờ. Ảnh minh họa

Thành phố cũng đã phát triển các tuyến, điểm đến gắn với du lịch đường sông từ Bến Bạch Đằng - Củ Chi (sông Sài Gòn) như: Khu du lịch sinh thái Bình Mỹ; Khu du lịch lịch sử Bến Đình, Bến Dược; Khu du lịch Một thoáng Việt Nam; Khu Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông; Làng nghề hoa lan cây cảnh ở Tân Thông Hội, Hòa Phú, Tân Thạnh Tây; Làng nghề đan lát ở xã Thái Mỹ; các khu sinh thái nhà vườn...

Tới đây, để phát triển mạnh mẽ hơn nữa ưu thế du lịch nông thôn trên địa bàn, UBND TP.HCM cho hay, trong ngắn hạn, địa phương sẽ tập trung quan tâm đến phát triển du lịch nông nghiệp gắn với khai thác thực phẩm ngon sạch và không gian sinh hoạt của các nông hộ, gia trại, cộng đồng nông nghiệp. Tạo ra không gian sống thoáng đạt mang tính đồng quê, có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước với mọi lứa tuổi khác nhau.

Mặt khác, Thành phố cũng sẽ gắn phát triển du lịch nông nghiệp với các sản phẩm khác như du lịch ẩm thực đồng quê, du lịch nâng cao sức khỏe giải tỏa căng thẳng (stress) không chỉ cho người lớn mà còn cho trẻ em, du lịch học đường (studying-tour), du lịch chuyên đề, du lịch về nguồn cội...

Để thực hiện kế hoạch trên, bước đầu, ngành du lịch Thành phố sẽ rà soát những địa phương có tiềm năng về phát triển du lịch nông nghiệp như: huyện Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè, Quận 12, Thành phố Thủ Đức... có những khu điểm, nông trang, trang trại, nhà vườn thuận lợi trong phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp.

Từ đó, sẽ định hướng các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và mong muốn của khách du lịch để hình thành nên các sản phẩm, hoạt động du lịch trải nghiệm gắn với nông nghiệp.

Tiếp đó, ngành du lịch Thành phố sẽ phối hợp với các quận, huyện, các khu điểm du lịch sinh thái, nông nghiệp, cùng các công ty lữ hành, các đơn vị báo, đài khảo sát và hình thành các tuyến du lịch chính đến các quận, huyện như cần Giờ, Củ Chi. Thành phố sẽ kết nối các doanh nghiệp lữ hành khai thác các chương trình du lịch và quảng bá qua các kênh truyền thông nhằm thu hút khách du lịch.

Về lâu dài, theo lãnh đạo UBND TP.HCM, Thành phố sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể, thuận lợi cho việc vay vốn đầu tư của các nhà vườn, có chính sách cung cấp kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị các sản vật cho người dân tham gia làm du lịch. Nhưng cạnh đó, Thành phố cũng sẽ hạn chế tốc độ phát triển du lịch nông nghiệp quá nhanh, kéo theo các hệ lụy ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Khai thác thế mạnh rừng ngập mặn Cần Giờ

Huyện Cần Giờ là vùng đất rất có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái và cũng là huyện duy nhất của TP.HCM có rừng ngập mặn. Với thế mạnh đó, huyện cần Giờ đã xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch, bao gồm: Tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái trở thành ngành kinh tế quan trọng có tính đột phá của huyện; phát triển du lịch theo hướng bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, giữ gìn sinh thái; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch, tạo dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc có tính cạnh tranh cao.

Các sản phẩm du lịch chính của huyện Cần Giờ sẽ là du lịch sinh thái, du lịch nhà vườn, du lịch đường sông, phát triển mô hình làng nghề truyền thống đưa vào phục vụ du lịch.

Khải Hà

Nguồn: Tạp chí Du lịch TP.HCM

Cùng chuyên mục