Hoạt động của ngành

Vĩnh Long: Điểm du lịch xanh đang phát triển

Cập nhật: 04/06/2008 09:06:08
Số lần đọc: 4394
Vĩnh Long là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của Đồng bằng sông cửu Long, giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh 137 Km theo hướng QL1A.

Từ lâu, nơi đây được xem là cửa ngỏ, là nhịp cầu nối thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Phía Bắc giáp Tiền Giang; Tây bắc giáp Đồng Tháp; Đông giáp Bến Tre; Đông nam giáp Trà Vinh và phía Nam giáp TP. Cần Thơ. Tỉnh rộng 1.490 Km2, dân số 1.055.000 người gồm 03 dân tộc Việt, Hoa và Khmer đang sinh sống trong tình đoàn kết, gắn bó.

Đến Vĩnh Long, du khách sẽ có dịp lênh đênh trên từng con nước, đi giữa màu xanh thiên nhiên với những vườn cây trái xanh mướt, trĩu quả... Thuyền bè từ lâu đã trở thành phương tiện vận chuyển chủ yếu và phổ biến ở vùng này. Những chiếc thuyền nhỏ sẽ đưa du khách xuôi dòng Cổ Chiên, Long Hồ, Cái Cá, Cầu Lầu... này là những vườn cây ăn trái, này là hàng dừa xen thuỷ liễu xanh mướt một màu, khung cảnh thanh bình yên ả sẽ làm cho những lo lắng đời thường của du khách chợt tan biến.

Nơi đây có các điểm tham quan nổi tiếng như: Khu tưởng niệm Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng tại xã Long Phước, huyện Long Hồ, Khu di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang, tại xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, các chùa, đình, miếu, lăng… có tuổi đời hàng trăm năm, là niềm tự hào của người dân Vĩnh long. Đặc biệt đến Vĩnh Long, du khách sẽ có dịp đến thăm Văn Thánh Miếu – đây là văn miếu duy nhất ở miền Nam, tọa lạc tại phường 4, thị xã Vĩnh Long.

Nói đến Vĩnh long ngày nay, không thể không nhắc đến công trình thế kỷ: cầu Mỹ Thuận. Đây là cây cầu dây văng đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, nối liền hai bờ sông Tiền.

 Là một tỉnh giữa vùng sông nước, Vĩnh long có hệ thống các cù lao trù phú: Cù lao An Bình, cù lao Quới Thiện (Vũng Liêm), cù lao Lục Sỹ Thành (Trà Ôn). Đây thực là nơi đất lành chim đậu, bốn mùa trái ngọt cây lành, gợi lên một nét đẹp mộc mạc đằm thắm làm say lòng biết bao du khách đường xa. Vĩnh long còn nổi tiếng bởi các nhà vườn bonsai, các điểm giống cây ăn trái, du khách sẽ ngạc nhiên thú vị khi tiếp xúc với chủ nhân của các khu vườn xanh tươi, rộng lớn kia: rất thạo nghề làm vườn, hết sức hồn hậu vui vẻ... ghé thăm vườn du khách tưởng như được về nhà mình : đi dạo quanh nhà, nghỉ chân trên bộ ngựa, ngồi võng, ăn trưa ngoài vườn, du khách được chào đón bởi những bác Sáu, Bác Tám, Bác Mười, hay anh hai, anh ba… vừa hiền lành chân chất vừa chu đáo.

 Vĩnh long còn hấp dẫn du khách bởi các làng nghề, chợ nổi, đờn ca tài tử…Đi thuyền trên sông Cổ Chiên, du khách sẽ được tham quan những làng nghề ven sông: làng rèn, nung gạch, lò gốm sứ nung vôi bằng vỏ ốc, sò, dệt chiếu, sản xuất tương, chao, chằm lá, lò xay lúa, đóng ghe thuyền mà độc đáo nhất là nghề nung gốm mỹ nghệ - một loại gốm đỏ đặc biệt của Vĩnh long. Nghề làm bánh tráng, bánh phồng đã gắn bó với người dân nơi đây từ rất lâu đời và tập trung nhiều ở xã Thuận An, huyện Bình Minh, các thứ bánh dân dã này được du khách khắp nơi ưa chuộng, thường mua làm quà. Đến Vĩnh long Quí khách đừng quên tham dự một buổi đàn ca tài tử để tìm hiểu thêm về bản sắc văn hoá của những người dân chất phác, hiền lành. Đàn ca tài tử là thú giải trí tao nhã của người dân nơi đây, du khách sẽ ngạc nhiên biết bao khi biết rằng những tài tử say mê thả hồn theo tiếng đàn lời ca kia thật sự là những người thợ vườn, những nông dân chính hiệu mới vừa ban sáng còn lao động cật lực trên ruộng vườn…

 Vĩnh Long đang hướng tới chương trình du lịch xanh với tiêu chí giữ lại phong vị văn hoá miệt vườn, thời kỳ “ khai phá đất Phương Nam”. Nét đặc sắc của đất trời, cây cỏ, sự mộc mạc bình dị của làng quê chất chứa tình người đằm thằm đang chào đón du khách…

Nguồn: website Vĩnh Long

Cùng chuyên mục