Tin tức - Sự kiện

Sôi động lễ hội trong Festival Huế 2008

Cập nhật: 30/05/2008 13:05:45
Số lần đọc: 1622
Những ngày này, người dân TP.Huế và du khách đang háo hức chờ đón Liên hoan (Festival) Huế 2008 "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển", diễn ra từ ngày 3 đến ngày 11/6/2008 tới. Liên hoan lần này có số lượng các đoàn nghệ thuật trong nước và ngoài nước tham gia biểu diễn cao nhất với bảy lễ hội chính và gần 40 chương trình của 20 đoàn nghệ thuật đến từ nhiều nước trên thế giới.

Festival Huế 2008 được tổ chức trùng thời điểm TP.Huế kỷ niệm 15 năm quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới và năm năm nhã nhạc cung đình Huế là kiệt tác di sản phi vật thể của nhân loại. Trong chín ngày lễ hội sẽ có bảy lễ hội lớn, trong đó có bốn lễ hội được phục dựng dựa trên các tư liệu lịch sử là: Lễ tế Nam Giao, tế Xã Tắc, lễ đăng quang của vua Quang Trung trên núi Bân và lễ thi Tiến sĩ Võ. Bên cạnh đó, các lễ hội lớn khác cũng được tổ chức như: Ðêm Hoàng cung, Lễ hội áo dài và Huyền thoại sông Hương.

 

Khác với những nghi thức rước trên đường phố ở kỳ liên hoan trước, lễ tế Nam Giao lần này không có đoàn Ngự đạo diễu hành mà chỉ tập trung trình diễn lễ Tế Giao tại Trai Cung và Ðàn Nam Giao. Lễ tế được phục dựng gần như nguyên bản với màn trình diễn lễ nhạc cung đình của 128 vũ công trong y phục cổ múa Bát dật Văn và Bát dật Võ vừa được nghệ nhân Trịnh Bách phục chế.

 

Trong khi đó, lễ tế Xã Tắc lần đầu tổ chức, sẽ có hơn 400 người tham gia đoàn Ngự đạo trong trang phục cung đình thời Nguyễn cùng các đạo cụ, nghi trượng, cờ phướn theo đúng nghi thức rước, tế truyền thống. Ðoàn dự kiến diễu hành vào sáng sớm ngày 10/6/2008 từ điểm xuất phát tại khu vực Ngọ Môn và đi dọc đường 23/8 vào đường Lê Huân rồi rẽ lên đường Trần Nguyên Hãn để đến tế tại đàn Xã Tắc ở phía tây Hoàng thành Huế. Lễ tế trước đây do triều đình thực hiện hằng năm vào mùa xuân và mùa thu, tế Thần Ðất và Thần Lúa, mang ý nghĩa cầu mùa màng bội thu, no ấm, quốc thái dân an.

 

Một lễ hội cũng mới được nghiên cứu dàn dựng là lễ đăng quang lên ngôi vua Quang Trung của người Anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ. Việc tái hiện buổi lễ nhằm kỷ niệm 220 năm diễn ra sự kiện này tại núi Bân - Phú Xuân, biểu thị lòng tự hào và tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc, đồng thời gợi lại không khí hào hùng trước ngày vua Quang Trung xuất quân, thần tốc tiến ra bắc đánh tan 20 vạn quân Thanh, giải phóng thành Thăng Long. Lễ hội có đại cảnh quy mô với khoảng 1.000 người tham gia diễn xuất cùng voi, ngựa, binh khí, cờ phướn, trong một không gian diễn xướng của nhạc lễ, nhạc võ và những màn trình diễn võ thuật Tây Sơn, tạo thành một lễ hội cộng đồng vừa uy nghiêm, vừa sôi động.

 

Bên cạnh ba lễ hội trên, một sự kiện mới nhất trong kỳ Festival Huế 2008 là lễ hội thi Tiến sĩ võ thời nhà Nguyễn nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ của dân tộc. Lễ hội được phục dựng dựa trên yếu tố cơ bản của các khoa thi theo tư liệu lịch sử, thể hiện được không khí nghiêm túc nhưng đầy hào khí của trường thi võ, gắn với không khí ngày hội võ thuật dân tộc với sự góp mặt của nhiều võ sư tên tuổi, đại diện cho các võ đường và những môn phái võ cổ truyền ở Thừa Thiên-Huế và các vùng, miền đất nước. 

 

Một trong những sự kiện hấp dẫn có sức lôi cuốn du khách ở Festival Huế 2008 là ba Ðêm Hoàng Cung và Dạ nhạc tiệc ở Ðại Nội  của Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế tổ chức, tái hiện không gian huyền ảo của cung điện xưa với sinh hoạt múa hát cung đình, uống rượu, thưởng hoa, tìm hiểu trà đạo, thưởng thức các loại bánh Huế, chè Huế và tham dự các trò vui giải trí cung đình xưa như ném phi tiêu, đề thơ trên đèn lồng, thả thơ, đố chữ, v.v.

 

Cùng thời gian này, một lễ hội thời trang áo dài Việt Nam đầy ấn tượng, thu hút hàng trăm người mẫu biểu diễn với nhiều bộ sưu tập độc đáo, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội diễn ra trên dòng Hương Giang thơ mộng mà sân khấu chính là những chiếc thuyền rồng, gợi nhớ những hoài niệm của một thời cố đô trầm mặc.

 

Chương trình "Khám phá huyền thoại sông Hương" cũng được thiết kế nhằm tạo nên một sản phẩm du lịch văn hoá đặc trưng và độc đáo dựa trên tiêu chí bảo đảm chất thơ và vận dụng tối đa chất liệu thật của cuộc sống. Dòng sông Hương trong xanh, lững lờ trôi cùng đôi bờ sẽ trở thành một sân khấu thiên nhiên, tái hiện cảnh lao động chài lưới, sinh hoạt văn nghệ và giao lưu miền sông nước.

 

Ngoài bảy lễ hội chính, gần 40 chương trình của các đoàn nghệ thuật trong nước và ngoài nước sẽ diễn ra hằng đêm ở các sân khấu tại Ðại Nội, Cung An Ðịnh và các quảng trường. Trong đó, đoàn Pháp đông đảo nhất với nhiều chương trình: múa đương đại Niềm vui còn lại của đoàn Phết-tê Ga-lăng, vở múa Vừng ơi của Nhóm múa + 84 hợp tác Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Ngoài ra là xiếc mới với vở Có thể của đoàn Un-ti-mô Mô-măng-tô, về sân khấu có vở Ăng-ti-gôn tại Việt Nam của Nhà hát Mông-tơ Sác-gơ Ðờ Pô  và Nhà hát tuồng Việt Nam. Vùng Poa-tu Sa-răng giới thiệu nhóm nghệ thuật đường phố biểu diễn kèn, múa mặt nạ mèo, nghệ thuật sắp đặt của Rê-mi Pôn-lắc. Bên cạnh đó còn có múa Hoàng gia Campuchia, múa Hoàng gia Thái-lan, múa Ô-ki-na-oa Nhật Bản, múa Tây Ban Nha, Ka-lin-ka của Nga; kịch mặt nạ, âm nhạc Nam Do của Hàn Quốc, trình diễn của đoàn nghệ thuật Quảng Tây - Trung Quốc, múa bụng của Thổ Nhĩ Kỳ, ca múa Ấn Ðộ, Romania, âm nhạc Mỹ, triển lãm tranh tường Cung An Ðịnh do chuyên gia Ðức phục chế.

 

Bên cạnh đó, Festival Huế 2008 còn có những chương trình văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao mang tính cộng đồng như: đua thuyền, thả diều, múa lân, ngày hội "Em vẽ giấc mơ cổ tích", rước đèn, cờ người, thư pháp, biểu diễn võ cổ truyền, âm nhạc đường phố, nghệ thuật sắp đặt, lễ hội ẩm thực, hương xưa làng cổ, chợ quê ngày hội... được tổ chức khắp nơi trong thành phố và vùng phụ cận. Hàng loạt triển lãm tranh, ảnh sẽ được mở cùng các hội thảo chuyên đề về văn hóa và du lịch, hội chợ thương mại, v.v.

 

Để chuẩn bị cho Festival Huế 2008, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng khu tưởng niệm Anh hùng dân tộc Quang Trung tại núi Bân; khôi phục các thuyền cung đình Huế, chỉnh trang đôi bờ sông Hương, hoàn tất trùng tu các di tích: chùa Thiên Mụ, Trường Lang, Ðại Nội, Hổ Quyền; triển khai lắp đặt mười bản đồ hướng dẫn tại các điểm trung tâm.

 

Ngành du lịch tỉnh còn thực hiện việc công khai giá kinh doanh, niêm yết số phòng, giá phòng tại các khách sạn. Hơn 300 tình nguyện viên đã được tập huấn tham gia hướng dẫn và phục vụ du khách đến với Huế. Một trung tâm báo chí Festival Huế 2008 cũng được thiết lập tại đường Lê Lợi với 30 máy tính nối mạng internet cùng hệ thống phụ trợ phục vụ phóng viên tác nghiệp. 

Nguồn: website báo Nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT