Non nước Việt Nam

Hát Páo dung: Nét đẹp văn hoá của người Dao

Cập nhật: 24/02/2010 14:02:59
Số lần đọc: 2022
Người Dao ở Tuyên Quang lưu giữ được nhiều nét văn hoá độc đáo của dân tộc mình, từ tiếng nói đến trang phục, phong tục tập quán đến các làn điệu dân ca truyền thống. Nổi bật là làn điệu Páo dung.

Hát Páo dung ở các nhóm người Dao Quần Trắng, Áo Dài ở Hàm Yên, Yên Sơn… là âm điệu kéo dài, trầm. Người Dao Đỏ, Dao Tiền ở Nà Hang, Chiêm Hoá, Hàm Yên và Dao Quần Chẹt ở Sơn Dương có làn điệu bổng. Các làn điệu Páo dung của người Dao đều có cùng nội dung đề cao tinh thần lao động sáng tạo, đạo đức, lẽ sống, phép ứng xử, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu đôi lứa.

 

Hát Páo dung có nhiều thể loại như hát giao duyên, hát răn dạy, hát uống rượu, hát tiễn đưa. Hát giao duyên là để trai gái tìm hiểu nhau. Thời gian tổ chức hát thường vào lúc nông nhàn, khi xuân sang, tết đến. Theo phong tục trai gái khác bản mới hát giao duyên. Muốn hát phải xin phép trưởng bản và gia chủ. Có thể hát ở nhà hoặc ở ngoài trời. Tình yêu trong hát giao duyên của trai gái Dao vừa sâu sắc, vừa tế nhị kín đáo: Chàng trai hát: Thấy bông hoa nở bờ bên kia/Muốn sang hái mà không có thuyền. Cô gái hát đáp: Anh muốn ngắt đừng lo anh ạ/Hái lá làm thuyền bơi sang lấy.


Trai gái người Dao hát giao duyên để tìm hiểu và tìm được người bạn tâm đầu ý hợp. Khi đó họ trao nhau chiếc khăn thêu để làm tin, để gửi gắm tình cảm. Xưa kia, lễ giáo phong kiến và mê tín dị đoan ràng buộc tình yêu nam nữ, nhiều đôi yêu nhau, không lấy được nhau, họ an ủi, trách thương qua lời hát. Họ khát khao tự do yêu đương, vượt lên trên lễ giáo phong kiến: Em bay lên trời anh cũng đuổi/Em trốn vào sao anh cũng tìm...


Các cuộc hát giao duyên diễn ra sôi nổi với những làn điệu nhất định, lời hát thường được ứng khẩu tại chỗ. Trong hát giao duyên còn có thể loại hát đối đáp giữa nam và nữ đã có vợ, có chồng. Mục đích chính của các cuộc hát này là để thưởng thức tài nghệ của nhau nên nội dung hát tập trung ca ngợi sản xuất, ca ngợi thiên nhiên, hỏi thăm sức khoẻ, đồng áng. Thường họ chỉ hát đến nửa đêm rồi ai về nhà nấy.


Hát răn dạy cũng là một thể loại độc đáo của Páo dung. Nội dung các bài hát chủ yếu khuyên dạy con cháu, và mọi người không làm việc xấu; nhắc nhở con cái ghi sâu công ơn sinh thành của cha mẹ, chăm chỉ học hành, đỗ đạt: Biết một chữ đáng ngàn vàng/Mọi người mau đưa con đi học/Nếu ai cũng biết đọc biết viết/Thiên hạ tất cả là trạng nguyên… Ngoài ra, khi có cuộc vui gia đình, bạn bè, dòng họ thì người Dao thường hát uống rượu. Nội dung bài hát phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể và phù hợp với tiệc rượu.


Hiện nay hát Páo dung vẫn được người dân tộc Dao gìn giữ. Tuy nhiên số người biết hát làn điệu Páo dung ngày càng ít. Vì vậy việc bảo tồn và phát huy làn điệu Páo dung - văn hoá phi vật thể độc đáo này là cần thiết trong điều kiện hội nhập và phát triển hiện nay.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT