Non nước Việt Nam

Con hổ ở nhà làng (gươI) Cơtu

Cập nhật: 05/02/2010 09:02:26
Số lần đọc: 3149
Nhà làng (gươl) của người Cơtu là bảo tàng sống về nghệ thuật tạo hình. Tác phẩm điêu khắc gỗ là thể loại nổi trội nhất mà người Cơtu sáng tạo ra để trang trí cho ngôi nhà làng thân yêu của mình.

Đề tài phản ánh trên gươl khá đa dạng, thể hiện cái nhìn hồn nhiên về thiên nhiên, thế giới động, thực vật và cuộc sống sinh hoạt xã hội. Trong các loài động vật nuôi hoặc hoang dã xuất hiện trên nhà làng, con hổ được nghệ nhân dân gian khắc họa khá rõ nét và sinh động.

 

Với người Cơtu, con hổ chính là chúa tể rừng xanh, nó cũng là biểu tượng sức mạnh siêu nhiên có thể đe dọa đến con người. Vào rừng sợ nhất là tê giác, thứ hai là sợ voi, thứ ba là heo rừng, thứ tư là sợ cọp. Vì thế, người Cơtu cũng như một số tộc người khác có tục đeo vuốt hổ, nanh hổ để trừ tà, chống lại điều xui xẻo, cầu mong có sức mạnh như hổ. Chuyện về chúa sơn lâm cũng chiếm vị trí đáng kể trong kho tàng truyện cổ tích của các dân tộc nói chung, người Cơtu nói riêng. 

 

Trong gươl, trên tấm ván mặt tiền hoặc tấm ván thưng phía chính diện hay các xà ngang là nơi lý tưởng để nghệ nhân thể hiện các tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Trong muôn vàn đề tài mỹ thuật dân gian, con hổ xuất hiện với nhiều dạng, phong cách khác nhau. Người Cơtu thường tạc tượng hổ bằng gỗ tròn hay tạc vào gỗ như một bức phù điêu khắc nổi. Một số nhà làng khác lại vẽ hình con hổ và tô màu giống như một bức tranh. Đề tài phổ biến là hổ săn bắt mồi hoặc người đi săn hổ. Đặc biệt, người Cơtu đặc tả các tư thế của con hổ khá sinh động như vồ mồi, há mồm, nhe bộ nanh sắc nhọn, giơ vuốt, dáng đi hùng dũng như một võ sĩ. Những vằn màu đen nổi lên trên mình hổ cộng với gam màu khác thể hiện bộ lông trông chúng rất dữ. Tượng, phù điêu và tranh vẽ về hổ trên nhà làng tạo nên một nét lạ, nâng cao giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc truyền thống đặc sắc này.

 

Ngày nay, tuy hổ rất hiếm gặp nơi rừng xanh nhưng vẫn hiện hữu ở nhà làng. Chúng như những bức tranh minh họa cho câu chuyện cổ tích mà các già làng kể cho dân bản nghe về chúa tể rừng xanh, tô điểm thêm những sắc màu huyền thoại của bản làng, núi rừng.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT