Non nước Việt Nam

Bánh dầy, “đặc sản” Tết cổ truyền của dân tộc Mông

Cập nhật: 02/02/2010 14:02:39
Số lần đọc: 2515
Đồng bào Mông ăn tết cổ truyền theo lịch riêng của mình, lịch của người Mông đều đặn mỗi năm 12 tháng và không có tháng nhuận. Cuối tháng Một âm lịch mọi công việc chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, để có thể kịp ăn tết vào đầu tháng Chạp. Không khí rộn ràng khắp trong bản ngoài mường, tiếng giã bánh dầy làm rung động cả một vùng rừng núi. Đấy là lúc những hạt dẻ cuối vụ âm thầm rụng xuống, để những nụ đào đầu mùa kia e ấp đơm hoa. Già trẻ gái trai ai ai cũng mặc đẹp, nét mặt hân hoan, tất bật mà phấn khởi.

Người Mông quan niệm bánh dầy tượng trưng cho mặt trăng, điều này khiến ta liên tưởng đến câu chuyện về sự tích bánh dầy của Hoàng tử Lang Liêu đời Vua Hùng thứ 6. Muốn có hương vị thơm ngon, nguyên liệu làm bánh nhất thiết phải là gạo nếp nương vụ mới. Với những gia đình kinh tế khá, nhiều khi nguyên liệu là gạo nếp cẩm - một loại nếp quí rất thơm ngon, bổ dưỡng, màu tím sẫm như quả mùng tơi chín. Gạo nếp được giã thủ công và trực tiếp từ thóc, còn nguyên vỏ lụa mỏng tang, sau đó xôi chín bằng chõ gỗ đục từ thân cây. Lúc đun phải chú ý cho đều lửa thì xôi mới dẻo thơm, xôi chín đổ vào cối giã ngay khi còn nóng. Việc giã bánh do những thanh niên khỏe mạnh thực hiện, tiếng chày đôi uỳnh uỵch khua vang cả làng bản, núi rừng. Đây cũng là dịp các chàng trai trổ tài mạnh mẽ, ngầm “khoe” với các người đẹp sơn thôn sự cường tráng cơ bắp của mình. Khi xôi đã nhuyễn và dẻo quánh thành một khối là lúc các bà, các chị khéo léo nặn thành những chiếc bánh xinh xắn, tròn trịa như mặt trăng, mặt trời trong những câu chuyện cổ. Để bột khỏi dính tay và tăng độ thơm ngon của bánh, người ta xoa lòng đỏ trứng gà vào lòng bàn tay lúc nặn bánh. Lá gói bánh là lá chuối rừng đã hơ qua lửa cho khỏi rách.

 

Bánh dầy không chỉ là món ăn đãi khách mà còn làm quà cho khách đến thăm nhà. Dù để lâu ngày bánh vẫn dẻo thơm, khi ăn thường nướng trên than hồng, tạo một mùi thơm thật hấp dẫn. Nếu ăn một cách cầu kỳ hơn thì bánh được cắt thành những miếng nhỏ, chấm với mật o­ng rừng váng sánh. Bên mâm cơm tết trong mùi hương trầm tự gia đình làm lấy, thực khách khoan khoái cảm nhận dư vị đậm đà của giống nếp quí mọc từ đất với mật o­ng rừng từ những vách đá hun hút đại ngàn. Người Mông không có tục đón giao thừa. Đồng bào quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên vào sáng mùng Một tháng Giêng, chính là “cái mốc” đánh dấu cho sự khởi đầu của một năm mới - Một năm mới tròn trịa như cái bánh dầy và yên bình như điệu gầu tào vút lên không trung, bay qua các đỉnh núi, bay đến tận tai người mình hết mực yêu thương...

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT