Non nước Việt Nam

Lễ hội Lồng Tông ở Thượng Lâm (Tuyên Quang)

Cập nhật: 05/02/2010 08:22:32
Số lần đọc: 3551
Xã Thượng Lâm nằm cách thị trấn Nà Hang 25km, với phong cảnh hữu tình, phong tục tập quán các dân tộc phong phú, con người mến khách... Nơi đây có những truyền thuyết ly kỳ về sự tích sông núi và con người. Nhân dân các dân tộc xã Thượng Lâm còn lưu giữ được những nét đẹp tinh túy về văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số, trong đó nổi bật phải kể đến lễ hội Lồng Tông của người Tày.

Ai đã từng đến thăm hồ thủy điện Tuyên Quang, ngắm cảnh núi Pác Tạ... mà chưa được đắm mình trong không khí sôi nổi, vui tươi đậm chất dân gian ở Lễ hội Lồng Tông của người Tày xã Thượng Lâm thì thật đáng tiếc. Lễ hội Lồng Tông được tổ chức hàng năm vào ngày 15 tháng Giêng tại thôn Nà Tông. Lồng Tông có nghĩa là lễ hội xuống đồng cầu cho mùa màng bội thu. Đây là dịp để bà con các dân tộc xã Thượng Lâm cùng nhau vui chơi, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ... thể hiện tính đoàn kết cộng đồng. Họ cùng nhau tham dự Lễ hội cầu cho một năm cũ qua đi mang theo những rủi ro, bất trắc và mở ra một năm mới no ấm hơn, sung túc hơn.

 

Ở phần lễ, bà con tiến hành dâng hương tại chùa Phúc Lâm (là một ngôi chùa có lịch sử gắn bó lâu đời với người dân Thượng Lâm). Tiếp theo là rước mâm Tồng gồm 9 mâm lễ của 9 đôi trai gái trong độ tuổi từ 16 đến 20 mặc trang phục dân tộc đại diện cho các dân tộc đang cư trú tại địa phương. Cùng rước mâm lễ còn có đại diện chính quyền địa phương, các già làng, trưởng bản và đội múa lân. Cùng thời gian rước mâm lễ thì trên khán đài chính sẽ diễn ra các tiết mục văn nghệ do đội văn nghệ các thôn bản biểu diễn. Đây là một nét mới được đan xen vào lễ hội Lồng Tông để tăng thêm phần hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Sau đó là lễ cầu mùa, phần này do Pú mo (hay còn gọi là thầy cúng) đảm nhận. Pú mo sẽ dâng 9 mâm lễ đủ ngũ sắc, hương vị... tượng trưng cho màu của trời, đất, muông thú... Pú mo đọc bài lễ với nội dung đại ý như sau: “Cầu cho mưa thuận gió hòa, cho mọi vật sinh sôi nảy nở, cho con người sức khỏe, hạnh phúc, mùa màng bội thu...”. Trong lễ cầu mùa có sử dụng nhạc tế, bộ nhạc cụ dân tộc (gồm chiêng, trống, pí lè). Đợi cho tới khi Pú mo làm lễ cầu mùa xong, tiếng trống vang lên, mọi người đều được cùng nhau thưởng thức các sản vật trong mâm cỗ.


Phần hội là những trò chơi dân gian đặc sắc với mở đầu là hội tung còn. Cây còn được làm bằng tre cao từ 20m đến 22m, trên ngọn có gắn mặt nguyệt màu đỏ, tâm màu vàng, đường kính từ 45 cm đến 50cm. Cây còn thường được dựng ở giữa những thửa ruộng to, hoặc nơi có mặt bằng rộng như thung lũng hoặc cánh đồng. Trước khi diễn ra hội tung còn, Pú mo sẽ mời các cụ cao tuổi trong xã tung còn trước thể hiện sự tôn kính, mong muốn các cụ sống lâu cùng con cháu. Sau đó, nhân dân và du khách sẽ cùng tham gia tung còn. Theo quan niệm của người Tày ở Thượng Lâm thì ai ném quả còn trúng vòng đồng tâm nhất, đường đi đẹp mắt nhất sẽ là người may mắn nhất trong năm.

Du khách và nhân dân địa phương còn được xem và tham gia các trò chơi dân gian của các dân tộc như đánh pam, đánh yến, kéo co, đu dây. Nét khác biệt của Lễ hội Lồng Tông của người Tày ở xã Thượng Lâm là bà con cùng nhau ăn chung mâm cỗ, tổ chức trình diễn trang phục dân tộc. Lễ hội Lồng Tông đã trở thành một điểm nhấn về nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày thuộc huyện vùng cao Nà Hang.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT