Hoạt động của ngành

Khơi dậy tiềm năng du lịch văn hoá - lịch sử ở Điện Biên

Cập nhật: 29/12/2009 09:10:10
Số lần đọc: 3671
Cùng với chính sách đổi mới, mở rộng quan hệ giao lưu quốc tế của Đảng và Nhà nước, những năm qua du lịch Điện Biên có những bước tiến quan trọng. Cùng với Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, mới đây cửa khẩu Huổi Puốc được nâng cấp thành cửa khẩu quốc gia sang nước bạn Lào, tạo thuận lợi phát triển kinh tế du lịch dịch vụ. Công tác tuyên truyền, quảng bá được quan tâm, kết hợp với đầu tư nâng cấp cơ sở phục vụ nên lượng khách du lịch tới tham quan không ngừng tăng trưởng.

Nếu như năm 2008, toàn tỉnh đón 218.000 lượt khách, doanh thu đạt 93,88 tỷ đồng thì đến năm 2009 đạt 250.000 lượt khách (tăng 11,46% so với năm trước), tổng doanh thu đạt 110 tỷ đồng, trong đó khách quốc tế đạt 42.000 lượt, chiếm 16,8%. Nơi đây lưu giữ nhiều hiện vật, di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; bản sắc văn hoá truyền thống của 21 dân tộc anh em, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều hang động, suối khoáng. Điện Biên là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách trong và nước ngoài.

Tuy nhiên, hiện đa số các điểm du lịch trên địa bàn chưa được khai thác đúng mức, công tác đón phục vụ khách thiếu sự liên kết, hệ thống giao thông chưa đồng bộ, chất lượng phục vụ còn yếu, thiếu tính chuyên nghiệp là những khó khăn phát triển du lịch địa phương. Bản văn hoá Phiêng Lơi, T.P Điện Biên Phủ, là bản lưu giữ điệu múa xoè với nhiều giá trị văn hoá được bản tồn của dân tộc Thái, nhưng đường vào bản quá hẹp, không ít khách tỏ ra ngần ngại cho chuyến du lịch lần sau. Bên cạnh đó, việc cung cấp nước sạch mới đáp ứng được nhu cầu tại khu vực đô thị, hầu hết các xã có tiềm năng du lịch chưa được đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt đủ tiêu chuẩn. Điện Biên còn được biết đến là vùng đất lưu giữ các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số: Thái, Mông, Kháng, Cống, Khơ Mú, Si La, Xinh Mun… Tuy nhiên, các tua, tuyến du lịch mới chỉ xây dựng điểm đến tại 8 bản văn hoá của dân tộc Thái quanh khu vực lòng chảo nên dễ gây tâm lý nhàm chán cho du khách vì sự giống nhau về các hoạt động phục vụ du lịch. Mặc dù, số lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn gần đây tăng nhưng qui mô nhỏ, thiếu dịch vụ và tính chuyên nghiệp trong quản lý, phục vụ, thiết kế, bài trí trang thiết bị nội thất, chưa đáp ứng nhu cầu khách có thu nhập cao. Trong số 38 cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh mới có 4 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao, còn lại là khách sạn, nhà nghỉ không được trang bị tiện nghi thiết yếu, bãi đỗ xe chật chội. Qua thực tế khai thác du lịch trên địa bàn cho thấy, sản phẩm du lịch, quà lưu niệm mang đậm chất dân tộc chưa phong phú. Tại các điểm tham quan rất ít sản phẩm chất lượng cao, thiếu hấp dẫn, chưa tạo ấn tượng đối với du khách.

Khắc phục những hạn chế, khó khăn nhằm khai thác tiềm năng du lịch văn hóa -lịch sử, thời gian qua tỉnh đã xúc tiến thực hiện nhiều dự án sưu tầm, bảo tồn giá trị văn hoá của các dân tộc phục vụ cho công tác phát triển du lịch: Lễ hội cầu mưa, dân tộc Khơ Mú; Lễ hội Pang Poong, dân tộc Kháng; văn hóa dân tộc Thái trắng... Các điểm di tích lịch sử được trùng tu, tôn tạo: Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ và cụm tượng đài Chiến thắng tại Mường Phăng, Cụm tượng đài Kéo pháo tại xã Nà Nhạn; trùng tu đồi A1, di tích Thành Bản Phủ,đền thờ Hoàng Công Chất. Gần đây, tỉnh thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn đến năm 2020 với định hướng phát triển du lịch gắn với gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Theo đó, Điện Biên sẽ đẩy mạnh xã hội hoá du lịch, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm du lịch, xây dựng các tuyến, điểm du lịch đặc thù. Không gian quy hoạch vùng trọng tâm phát triển khu vực phía nam và trung tâm du lịch chính của tỉnh là T.P Điện Biên Phủ; cụm khu kinh tế phía Bắc là T.X Mường Lay và vùng phụ cận. Tỉnh xây dựng tuyến du lịch phụ trợ từ thành phố Điện Biên Phủ - Pa Khoang - Mường Phăng - Pa Thơm - Tây Trang; T.P Điện Biên phủ - Mường Chà - khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé và một số tuyến đi các tỉnh lân cận theo hệ thống đường bộ, đường hàng không, đường sông. Hiện, tỉnh đang lập dự án quy hoạch chi tiết hang động Pa Thơm và du lịch sinh thái đèo Pha Đin; xúc tiến công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch Pa Khoang – Mường Phăng. Ngành chức năng thực hiện rà soát, lựa chọn một số bản văn hóa dân tộc Mông, Lào, Thái, Cống, Khơ Mú có phương án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phục vụ du lịch. Thực hiện quy hoạch, phát triển 1 khu du lịch quốc gia và 4 khu du lịch địa phương; nâng cấp, xây dựng mới khách sạn đạt tiêu chuẩn mang đậm tính dân tộc. Năm 2010, toàn tỉnh phấn đấu nâng tổng số phòng khách sạn lên 1.350 phòng, thu hút 300.000 lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 235 tỷ đồng.

Nguồn: Báo ĐBP

Cùng chuyên mục