Hoạt động của ngành

Đồng Nai phục dựng nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc

Cập nhật: 29/12/2009 09:16:29
Số lần đọc: 4505
Hàng năm, những lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai diễn ra rất sôi nổi như: Lễ hội Sa Yang Va của dân tộc Chơ Ro; Lễ cúng Yang đâm trâu của dân tộc Mạ, S’tiêng, Kho; Lễ Chuôn Chnam Thmây, Sen đôn tal của người Khơ me; Lễ Ramadan, Maji của người Chăm; Tả tài phán của người Hoa…đều được tổ chức mang đậm sắc thái truyền thống của từng dân tộc, tạo được không khí vui tươi, đoàn kết và thân ái.
Với 31 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống với 31.128 hộ; 172.786 người chiếm 8% dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS sống xen kẽ, rải rác ở các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ thuộc 70 ấp đặc biệt khó khăn. Gần đây, việc phục dựng các lễ hội của đồng bào các DTTS đã được khôi phục.

Ông Lầu Quốc Minh, dân tộc Hoa, chủ tịch UBND xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ phấn khởi chia sẻ: Đồng bào chúng tôi rất vui vì mới đây trên Đài PTTH Đồng Nai đã có chương trình phát tiếng dân tộc Hoa, trước đó đã có chương trình phát tiếng dân tộc Chơ ro. Tiếng nói và chữ viết là cả một nghệ thuật, sức sáng tạo của mỗi dân tộc, là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc và là niềm tự hào của những người dân tộc thiểu số như chúng tôi”.

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đã rất chú trọng đến việc khôi phục và phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong vùng đồng bào dân tộc. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 7 Nhà văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và đang tiếp tục xây thêm 2 Nhà văn hóa tại huyện Định Quán và huyện Thống Nhất. Đây là nơi trưng bày những hình ảnh, hiện vật tái hiện nếp sinh hoạt truyền thống đặc trưng của từng dân tộc và là nơi để đồng bào sinh hoạt theo đúng tập tục cổ truyền, giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các dân tộc với nhau, thắt chặt thêm tình đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, tỉnh rất chú ý xây dựng Làng văn hóa dân tộc; khôi phục các lễ hội truyền thống mang đặc trưng của từng dân tộc; sưu tầm và khôi phục nghệ thuật múa, hát dân ca, cồng chiêng, trang phục dân tộc. Những nỗ lực đó đã tạo nên niềm vui, phấn khởi cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh và được đồng bào hưởng ứng mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Đình Biên, dân tộc Chơ Ro, trưởng ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu cho biết: "Đồng bào dân tộc Chơ Ro ở xã Phú Lý đã được đầu tư xây dựng Làng dân tộc phát triển bền vững với kinh phí gần 7 tỷ đồng và gần đây cũng vừa được khánh thành Nhà Dài dân tộc Chơ Ro khiến cho đồng bào dân tộc hết sức phấn khởi vì vừa có nơi sinh hoạt văn hóa vừa truyền dạy, giáo dục cho con cháu những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình".

Không chỉ lễ hội, nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc khác cũng được quan tâm như truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu niên dân tộc Chơ Ro ở Phú Lý, ở xã Phước Bình có đội bắn nỏ, ở xã Tà Lài hình thành nhóm dệt thổ cẩm theo cách cổ truyền của người Mạ. Từ năm 2007 đến nay, Đồng Nai đã tổ chức 2 lần đại hội thể dục thể thao các dân tộc thiểu số bao gồm cả những môn thể thao phổ biến như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông…và những môn thể thao mang đậm sắc thái văn hóa của các dân tộc như bắn nỏ, vật… Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai lần thứ Nhất vừa được tổ chức vào tháng giữa tháng 12 vừa qua đã trở thành ngày hội giao lưu văn hóa, thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc.

 

Nguồn: Website Đảng Cộng Sản Việt Nam

Cùng chuyên mục