Tin tức - Sự kiện

Gia Lai bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng

Cập nhật: 06/11/2009 16:11:36
Số lần đọc: 1643
Các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng ở tỉnh Gia Lai đã được triển khai từ khá sớm. Đến khi UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (ngày 25/11/2005), thì hoạt động này càng nhận được sự quan tâm toàn diện hơn của cả hệ thống chính trị và đông đảo đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Trong nhiều năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo ngành văn hóa tổ chức các cuộc liên hoan cồng chiêng theo định kỳ: 2 năm một lần ở cấp xã và huyện, 4 năm một lần ở cấp tỉnh. Các cuộc liên hoan đã thu hút được đông đảo các nghệ nhân tham gia vào hoạt động trình diễn và đồng bào các dân tộc Jrai, Bahnar, Kinh, Mường… đến nơi diễn ra liên hoan để thưởng thức, cổ vũ. Đây được tỉnh xác định là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm duy trì thường xuyên việc giao lưu, truyền dạy cồng chiêng tại cộng đồng và kích thích khả năng sáng tạo, học hỏi của nghệ nhân.

 

Cùng với những hoạt động được tổ chức quy mô ở các cấp nhằm bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng, tỉnh còn khuyến khích các lễ hội có sử dụng cồng chiêng tại các buôn làng; nghiên cứu, phục dựng những lễ hội đang có nguy cơ mai một trước sự tác động của văn hóa ngoại lai để bảo tồn, lưu giữ, trong đó có một số lễ hội đã được dựng thành phim tư liệu như lễ đón năm mới của người Bahnar Tơlô (Sơmah Kơ Cham); lễ trưởng thành của người Bahnar… Đặc biệt trong năm 2008, Gia Lai đã tiến hành cuộc điều tra, phân loại cồng chiêng trên quy mô toàn tỉnh. Việc điều tra đã được triển khai đến từng hộ gia đình người dân tộc Jrai, Bahnar, được UBND các huyện, UBND xã nhiệt tình ủng hộ, đặc biệt là được các già làng, trưởng thôn tích cực vào cuộc. Kết quả tổng hợp ban đầu cho thấy, toàn tỉnh có 5.655 bộ cồng chiêng hiện còn được lưu giữ ở các hộ Jrai, Bahnar. Như vậy, cho đến thời điểm hiện nay thì Gia Lai là tỉnh còn đang lưu giữ được nhiều cồng chiêng nhất trong các tỉnh Tây Nguyên. Có huyện trong tỉnh còn tới hơn 1.000 bộ cồng chiêng; nhiều gia đình còn lưu giữ trên 5 bộ cồng chiêng, đặc biệt có 2 hộ đồng bào Jrai ở huyện Ia Grai vẫn còn tới 9 bộ cồng chiêng và coi nó là những báu vật của dòng họ truyền lại.

 

Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai đã triển khai các chương trình có tính chiến lược, lâu dài cho hoạt động bảo tồn di sản như: “Chương trình hành động bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với những kế hoạch và bước đi cụ thể; ban hành chỉ thị về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh. Gia Lai đã và đang khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho việc truyền dạy cồng chiêng tại cộng đồng. Nhờ vậy, số thanh thiếu niên biết đánh cồng chiêng, biết các bài chiêng cổ của dân tộc mình tăng khá nhanh trong những năm qua. Tỉnh còn chủ trương đưa việc truyền dạy cồng chiêng vào trong các trường Dân tộc nội trú, các trường có đông học sinh là người dân tộc bản địa để số lượng thanh thiếu niên biết sử dụng cồng chiêng và tham gia vào sinh hoạt văn hóa cồng chiêng ngày càng tăng. Gia Lai cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chính các chủ nhân của di sản hiểu rằng, cồng chiêng đã trở thành biểu tượng để khẳng định bản sắc văn hóa, tiếng nói chung của cộng đồng các tộc người ở Tây Nguyên; là nguồn giao lưu văn hóa, là phương tiện để các dân tộc hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau hơn… nhằm nâng cao hơn nữa ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa cồng chiêng trong bộ phận dân cư này. Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã chú trọng việc mời các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, các nghệ nhân, trí thức người dân tộc Tây Nguyên… tham gia tích cực vào công tác nghiên cứu, sưu tầm, truyền bá giá trị văn hóa cồng chiêng và di sản văn hóa dân tộc gắn với sinh hoạt cồng chiêng như kiến trúc, phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, điêu khắc dân gian… Tiếp tục tìm kiếm nguồn kinh phí để nhanh chóng điều tiết cồng chiêng từ khu vực còn nhiều cồng chiêng đến những làng không còn cồng chiêng. Trong quá trình triển khai, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng chú ý đến nguyện vọng của đồng bào, khuyến khích giải pháp điều tiết cồng chiêng ngay trong từng dòng tộc, địa phương cũng như vận động các doanh nghiệp đứng chân tại địa bàn mua tặng. Khuyến khích mở lớp truyền dạy các kỹ năng về cồng chiêng; mà trước hết ưu tiên cho việc truyền dạy nghề chỉnh chiêng…
Nguồn: Báo Đắk Nông

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT