Hoạt động của ngành

Kon Tum: Cử tám đội cồng chiêng tham dự Festival cồng chiêng Quốc tế

Cập nhật: 06/11/2009 14:48:31
Số lần đọc: 1970
Tham dự festival cồng chiêng Quốc tế tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum cử tám đội cồng chiêng của sáu dân tộc bản địa trên địa bàn (166 nghệ nhân) tham dự gồm: Xê Đăng, Ba na, Gia rai, Giẻ Triêng, Bờ râu và Rơ Măm.

Đây là các đội cồng chiêng tiêu biểu của các dân tộc, được tuyển chọn từ cơ sở, đại diện cho dân tộc mình tham dự giao lưu, học hỏi và trình diễn văn hóa cồng chiêng tại festival cùng đồng bào dân tộc trong cả nước và bạn bè quốc tế.

Các tiết mục của đoàn cồng chiêng Kon Tum tham dự festival phần lớn là các bài chiêng cổ như bài chiêng “KaPauNeo” ( ăn úa mới) của đoàn nghệ nhân Xê Đăng Xơ teng, bài chiêng : “Lễ ăn trâu mừng nhà rông mới” của đoàn nghệ nhân Ba Na, bài chiêng “Mừng nhà rông mới” của đoàn nghệ nhân dân tộc Giẻ Triêng v..v..v.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum Bùi Thị Thanh Vân cho biết, cùng với 166 nghệ nhân của tám đội cồng chiêng, Đoàn tỉnh Kon Tum tham dự Festival Quốc tế tại Gia Lai lần này còn có 50 già làng tiêu biểu đại diện cho các huyện, thành phố là khách mời danh dự tham gia. Nét đặc biệt của đoàn nghệ nhân cồng chiêng Kon Tum tham dự Festival lần này là các đội nghệ nhân các dân tộc ở Kon Tum tham dự có cả ba thế hệ, người lớn tuổi nhất là nghệ nhân A Chiêu, dân tộc Xê Đăng ( sinh năm 1942), nhỏ tuổi nhất là nghệ nhân Y Hin và Y Mãi 9 dân tộc Xê Đăng ( sinh năm 1993). Các dàn cồng chiêng mang theo là những bộ chiêng thiêng, quý nhất của các dân tộc, như nhóm dân tộc Giẻ có chiêng Khleng và Xum, dân tộc Gia rai có chiêng Pom, Pát, dân tộc Xê Đăng (nhóm Xơ Đăng Sơ đrá) có chiêng Buar, dân tộc Brâu có Chiêng Tha…

Để trình diễn các tiết mục cồng chiêng đặc sắc nhất của dân tộc mình một cách thành công tại festival, gần một tháng nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp với UBND và phòng Văn hóa,Thể thao và Du lịch các huyện thành phố tập trung các đội cồng chiêng tại địa phương để tập luyện.

Tỉnh Kon Tum hiện có 300 đội cồng chiêng của các làng dân tộc thiểu số, với khoảng gần 1800 bộ cồng chiêng. 

Nguồn: website báo Nhân dân

Cùng chuyên mục