Hoạt động của ngành

Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các di tích trọng điểm

Cập nhật: 04/11/2009 14:41:58
Số lần đọc: 1993
So với các tỉnh thành khác, 4 cụm di tích trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia khá sớm. Thế nhưng nếu nhìn dưới góc độ công tác quy hoạch, đầu tư tôn tạo, xem ra lại khá chậm.

Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều được Nhà nước xếp hạng Di  tích Lịch sử văn hoá cấp quốc gia rất sớm, vào năm 1962, cùng thời với di tích chùa Một Cột của Hà Nội. Để phục vụ công tác quản lý, phát huy giá trị di sản năm 2003 huyện Đông Triều đã lập đề cương quy hoạch bảo tồn, tôn tạo hệ thống di tích nhà Trần. Huyện đã thuê một đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát đo đạc, lập bản đồ địa hình 10 điểm di tích (chưa có di tích chùa Quỳnh Lâm), lập hồ sơ quy hoạch chi tiết 3 điểm di tích, đo vẽ hiện trạng vật thể 4 điểm di tích (trong tổng số 18 điểm di tích cần thực hiện nội dung này). Song các hồ sơ trên đều chưa được chủ đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu, phê duyệt theo đúng quy trình. Để thúc đẩy tiến trình, tháng 6 vừa qua Sở kế hoạch - Đầu tư và các ban, ngành hữu quan đã tiến hành kiểm tra, rà soát, đề xuất phương án xử lý các tồn tại trong quá trình thực hiện đề án. Ban Quản lý các di tích trọng điểm được giao nhiệm vụ tiếp tục triển khai quy hoạch tổng thể khu di tích nhà Trần tại Đông Triều và kết nối với khu di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử. Ngay sau đó Ban đã có một số đề xuất với tỉnh, hiện đang chờ tỉnh xem xét.

Với vị trí là di tích tiêu biểu, được nhiều người biết đến trong hệ thống di tích Phật giáo của cả nước, khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử đã được lập quy hoạch đầu tư, bảo tồn, tôn tạo từ năm 1997. Tuy nhiên, trên thực tế bản quy hoạch đến nay đã không còn phù hợp nữa. Bởi vậy cuối năm 2007, UBND tỉnh đã có Quyết định số 5004 về việc thiết kế đề án mở rộng và phát triển khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử. Thực hiện quyết định trên, UBND thị xã Uông Bí đã làm việc với đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch đô thị nông thôn (nay là Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn), tạm ứng tiền thuê lập dự án 1,8 tỷ đồng. Đến đầu năm 2008, Ban Quản lý các di tích trọng điểm tiếp tục ký phụ lục hợp đồng với Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn. Theo đó đến hết tháng 12-2008 Viện phải bàn giao toàn bộ sản phẩm cho bên A. Thế nhưng đến nay đã quá thời hạn thực hiện hợp đồng mà Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn mới chỉ có báo cáo đánh giá sơ bộ hiện trạng Khu di tích và đề xuất một số ý tưởng thực hiện quy hoạch. Trước tình hình này Ban quản lý các di tích trọng điểm đã có nhiều hoạt động thúc đẩy tiến độ hoàn thiện dự án song vẫn chưa có sản phẩm mới.

Tiếp sau Yên Tử, năm 1998 khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng cũng được UBND tỉnh phê duyệt quyết định lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo. Trong quá trình triển khai một số hạng mục đã hoàn thành. Di tích đền Trần Hưng ĐaÅo, miếu Vua Bà đã được đưa vào sử dụng từ năm 2001, thu hút đông đảo khách tham quan, tín ngưỡng trong và ngoài nước; con đường vào bãi cọc Bạch Đằng, dài 300m với tổng kinh phí trên 4,5 tỷ đồng đã bàn giao cho địa phương quản lý từ tháng 7-2005. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, nhất là chiến lược phát triển kinh tế du lịch của huyện Yên Hưng, mục tiêu đưa di tích Bạch Đằng thành điểm nhấn du lịch thì bản quy hoạch trên tỏ ra chưa xứng tầm với giá trị vốn có của nó. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, cuối năm 2007 Ban Quản lý các di tích trọng điểm phối hợp với liên doanh 2 công ty: Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Hà Nội và Công ty ESPAD Nhật Bản, đã kiểm tra lại các nội dung quy hoạch năm 1998, đồng thời xây dựng quy hoạch bổ sung. Nhưng vì nhiều lý do, đến nay đơn vị tư vấn đã không tiếp tục triển khai hoàn thiện được dự án.

Có thể thấy việc lập quy hoạch đầu tư tôn tạo tổng thể 3 di tích Yên Tử, Bạch Đằng, di tích nhà Trần đều đang gặp trục trặc từ phía các đơn vị tư vấn. (Riêng với khu di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn, tháng 1 vừa qua Sở Kế hoạch - Đầu tư mới có văn bản chính thức báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo...). Bởi vậy, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá lại năng lực của các đơn vị này để có biện pháp phối hợp thúc đẩy tiến độ, trong trường hợp cần thiết, cần tính đến khả năng thay đổi đơn vị tư vấn. Riêng di tích Thương cảng Vân Đồn mặc dù mang ý nghĩa quan trọng là vậy trong hệ thống di tích của tỉnh, song đến nay công tác quy hoạch mới chỉ ở những bước khởi đầu. Để di tích này được gìn giữ và phát huy cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ quy hoạch bảo tồn, tôn tạo...

Nguồn: Quảng Ninh

Cùng chuyên mục