Hoạt động của ngành

Văn hóa làng - Tiềm năng của du lịch

Cập nhật: 16/10/2009 09:10:50
Số lần đọc: 3428
Du lịch - một hoạt động đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, đạt hiệu quả cao đối với nền kinh tế của đất nước nói chung, ở Gia Lai nói riêng. Chính hoạt động du lịch đã góp phần tôn vinh và khai thác có hiệu quả các giá trị của di sản văn hóa dân tộc. Gia Lai là tỉnh có nguồn tài nguyên phong phú, đảm bảo tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn khách tham quan, trong đó các di sản văn hóa làng giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Ở Gia Lai, làng (plei hoặc plơi) là nơi lưu giữ và biểu hiện sinh động nhất về truyền thống văn hóa. Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vai trò của làng xã càng được thể hiện rõ hơn, đó là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, giữa truyền thống và hiện đại, gắn kết cộng đồng dân tộc, là xuất phát điểm của quá trình phát triển. Hội tụ các yếu tố trên ta thấy, làng xã là nơi tập trung đầy đủ và rõ nét nhất mọi điều kiện khách quan và chủ quan trong việc hình thành và lưu giữ các di sản văn hóa truyền thống. Vì vậy, việc phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa làng là điều kiện tất yếu, vừa thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn không gian văn hóa truyền thống của dân tộc.

 

Thời gian qua, Gia Lai đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc khai thác các giá trị di sản văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa làng nói riêng bằng con đường phát triển du lịch.

 

Tuy nhiên những kết quả đó vẫn còn hạn hẹp giữa tiềm năng phong phú của một địa phương mà ở đó, mỗi con người, buôn làng còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc mà không nơi nào có được. Hơn nữa, chưa có định hướng chiến lược, thiếu sự phối hợp đồng bộ, chưa được triển khai sâu rộng nhiều hoạt động còn mang tính tự phát, lẻ tẻ, chưa huy động được nguồn lực tại chỗ của cư dân cộng đồng trong lĩnh vực này. Để tạo ra một động lực thúc đẩy của di sản văn hóa làng trên con đường phát triển du lịch, thiết nghĩ ngay từ bây giờ phải nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng, chú trọng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, tận tâm, đủ sức truyền tải thông tin đến với mọi đối tượng khách tham quan. Cần gắn kết việc phát triển du lịch với việc xây dựng một môi trường sinh thái, nhân văn trong đời sống cộng đồng ở các buôn làng. Khuyến khích từng cá nhân phát huy vai trò là chủ thể của mọi sự sáng tạo các giá trị văn hóa nhằm hình thành nên các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn mang tính đặc thù của địa phưong.

 

Khi Festival Cồng chiêng Quốc tế đã cận kề, thì việc thiết lập các tour du lịch đến với làng, xã là cơ hội để tỉnh ta quảng bá rộng rãi hình ảnh của một Gia Lai tràn đầy nhựa sống. Đồng thời giúp du khách có thể cảm nhận và khâm phục được sự phát triển liên tục, lâu dài, từng thời kỳ lịch sử- văn hóa của con người trên vùng đất này, bởi du lịch là một hình thức trải nghiệm văn hóa, mà nền tảng là các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở trong chính mỗi cộng đồng làng xã, hay trong mỗi bản thân con người.

Nguồn: Gia Lai

Cùng chuyên mục