Hoạt động của ngành

Bình Thuận khởi động đề án xây dưng khu du lịch về chiến trường xưa

Cập nhật: 19/08/2009 14:30:29
Số lần đọc: 2139
Bình Thuận vừa khởi động đề án xây dựng khu di tích căn cứ Khu 6 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước thành một điểm du lịch về nguồn. Vừa mang ý nghĩa một điểm đến giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm cho ngành du lịch hấp dẫn du khách khắp nơi.

Theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận, trong 2 ngày 14-15/8/2009, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Bộ chỉ huy Quân sự và các ngành liên quan tổ chức chuyến khảo sát Căn cứ Khu 6 trong kháng chiến chống Mỹ tại xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc.

Hành trình về chiến trường xưa

Buổi sớm vùng cao La Dạ se lạnh. Đoàn khảo sát gần 30 người xuôi theo một cung đường đất đỏ nhấp nhô hướng đến khu rừng nguyên sinh có tên gọi “rừng Ông Bà”. Đó là một khu rừng thuộc thôn 2 (xã La Dạ) rộng khoảng 97 ha mang trong mình nhiều câu chuyện kỳ bí. Theo những cư dân địa phương lớn tuổi, theo truyền thuyết ngoài là vùng đất chỉ dành cho tổ tiên (rừng Ông Bà) khu rừng còn có tên “Núi Thiêng” vì sự hiểm trở của thiên nhiên. Khắc nghiệt vậy, nhưng khu rừng kéo dài hàng chục cây số đến tận dòng La Ngà đã từng là nơi Quân khu 6 đóng quân trong khoảng thời gian từ năm 1969-1972.

Điểm khảo sát tiếp theo là địa danh “Suối Cát” thuộc thôn 1 (xã La Dạ). Đường nhỏ, lại nhấp nhô nên rất khó đi. Sau khi băng qua một rẫy bắp còn vượt qua một con suối sâu và chảy xiết mớii đến được một cánh rừng mà vào năm 1969 Khu ủy khu 6 chọn làm căn cứ. Theo lời kể của nguyên các cán bộ Khu 6 cũ là các ông Lê Chí Phương, Trần Văn Đạt - thành viên đoàn khảo sát - nơi đây có một vị trí rất chiến lược. Là đường hành lang kéo dài qua tận Đông Giang, dễ dàng ra QL20 lấy muối, lương thực. Có Suối Cát bao bọc và không xa hồ Đatrian nên thuận lợi cho cuộc sống. Tại địa điểm này, những người lính từng có mặt 40 năm trước đã bồi hồi nhắc đến “khúc suối” từng là nơi tắm giặt cho bộ đội, gò đất là nơi tập kết lương thực, quân dụng, hậu cần và nhất là khoảnh rừng, nơi vào ngày 3/9/1969 toàn quân khu đã làm lễ truy điệu khi Bác Hồ kính yêu vĩnh viễn ra đi.

Ngược trở ra cung đường nối 2 xã La Dạ và Đa Mi. Buổi trưa vùng cao đầy nắng nhưng đoàn khảo sát vẫn tiếp tục cuộc hành trình đến với núi Tà Ôn thôn 3 (La Dạ). Đại úy an ninh Hà Minh Đậu khi xưa - nay đã trên 80 tuổi - giao liên cho Bí Thư Khu ủy Trần Lê - cho biết dấu tích những căn hầm của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy trải qua hơn 40 năm giờ vẫn còn trên ngọn núi lịch sử. Đứng bên con đập của hồ chứa nước Đaguri, phóng tầm mắt lên ngọn núi theo hướng chỉ của “cựu binh” Trần Văn Đạt chúng tôi thấy 2 rãnh núi do 2 con suối lớn tạo thành mà khoảnh giữa là căn hầm của Bí thư Khu ủy. Khoảng 2 giờ leo núi là đến được với các căn hầm. Bên cạnh đó, từ núi Tà Ôn kéo dài đến núi Đăng Lanh kề bên còn ẩn chứa rất nhiều “huyền thoại” về Khu ủy khu 6 trong kháng chiến chống Mỹ.

 Về nguồn và khám phá thiên nhiên

Theo ông Huỳnh Thanh Tâm - Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh ủy, trưởng đoàn khảo sát-thì mục đích của chuyến khảo sát là xác định địa điểm đóng cơ quan của Khu 6 cũ, từ đó báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương thành lập Ban quản lý dự án, lập đề án xây dựng khu di tích. Do vậy, ngoài ý nghĩa trở lại chiến trường xưa, đoàn khảo sát còn có nhiệm vụ tìm ra một vị trí thuận lợi nhất để xây dựng khu di tích mang tính lịch sử của Bình Thuận. Vừa gần tất cả các di tích lịch sử của Khu 6 và khu vực có dân cư, khu di tích lịch sử còn phải kế cận các trục đường giao thông để có thể tạo thành một điểm tham quan cho người dân địa phương và du khách, góp sức cho ngành du lịch phát triển.

Không những đồng tình với một địa điểm cách không xa các địa danh như núi Tà Ôi, rừng Ông Bà, Suối Cát, xóm Chung, ông Nguyễn Ngọc Hạnh-Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- cho biết: “Bên cạnh việc thống nhất tên gọi cho đúng ý nghĩa của di tích lịch sử này, nơi đây còn phải có vị trí gắn kết được với những tiềm năng và thắng cảnh khác của huyện Hàm Thuận Bắc nói riêng, tỉnh Bình Thuận nói chung để tạo nên những tour du lịch kết hợp về nguồn, tìm hiểu lịch sử truyền thống địa phương với tham quan, khám phá thiên nhiên độc đáo với đầy đủ núi, rừng, hồ, thác, sông, biển…

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hàm Thuận Bắc phấn khởi: “Đã có các địa danh nổi tiếng như các nhà máy thủy điện Hàm Thuận, Đa Mi, các lòng hồ giữa núi kỳ vĩ, hệ thống thác chín tầng, thác mưa bay, các lồng bè nuôi cá tầm độc đáo ở hồ Đa Mi…giờ nếu có thêm một điểm du lịch lịch sử - Căn cứ Khu 6, Hàm Thuận Bắc sẽ có một sản phẩm du lịch rất riêng của mình mang tên về nguồn và thám hiểm thiên nhiên”.

 

 

Nguồn: Website Bình Thuận

Cùng chuyên mục