Non nước Việt Nam

Huyền thoại Drai Kpơr, Đắk Lắk

Cập nhật: 29/04/2008 14:04:16
Số lần đọc: 2353
Drai Kpơr là dòng thác đẹp gắn bó với đời sống tinh thần của người Ê Ðê Drao ở Ea Kar, Đắk Lắk. Đây cũng là vùng căn cứ cách mạng một thời ở Tây Nguyên. Miền đất Tây Nguyên không chỉ nổi tiếng với hương vị cà-phê, những cánh rừng nguyên sơ chứa đầy bí ẩn, mà nó còn gắn liền với những chiến tích lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Và chính từ những cánh rừng đại ngàn ấy đã âm thầm làm nên nhiều huyền thoại xưa và nay.

Cách trung tâm huyện lỵ Ea Kar khoảng 33 km, xuôi theo quốc lộ 26 hướng về các tỉnh duyên hải miền trung, tôi rẽ phải theo hướng đông-nam đến với xã Cư Bông. Với địa hình núi cao, rừng sâu nằm trong biên độ của dãy nam Trường Sơn hùng vĩ, tiếp giáp tỉnh Lâm Ðồng nên khí hậu ở đây rất lý tưởng. Cái tên gọi Buôn Trưng (tiếng Ê Ðê gọi MTrưng) gợi cho tôi nhiều sự tò mò, không phải vì ngôn ngữ mà là vì một huyền thoại - huyền thoại Drai Kpơr!

 

Bắt đầu từ dãy Cư Yang  (được mệnh danh là Núi Thần) với độ cao 769 m, dòng Ea Kpăm hòa cùng dòng Ea Kpơr khởi nguồn từ dẫy Cư Kdroa có độ cao 700m; rồi từ độ cao 550 m hào phóng đổ vào thung lũng Buôn Trưng, trước khi hòa chung cùng sông Krông Pác.

 

Sự kỳ vĩ từ ngọn nguồn của những dòng chảy đã tạo thành chuỗi bốn ngọn thác nối tiếp, để rồi tô vẽ lên một hình hài Dray Kpơr vừa hoang sơ mãnh liệt, vừa tiềm ẩn vẻ đẹp kỳ bí.

 

Theo tiếng Ê Ðê, Drai có nghĩa là thác, Kpơr là linh hồn. Như vậy, thác Drai Kpơr được hiểu là thác "linh hồn". Drai Kpơr từ lâu đã gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người Ê Ðê Drao vùng Cư Yang trong sự tôn kính đặc biệt. Theo tín ngưỡng thì đó chính là nơi Yàng (Thần) ngự để ban phát, che chở cuộc sống ấm no.

 

Dòng Drai Kpơr làm duyên làm dáng trên mặt bằng trải dài hơn 100m, vươn rộng khoảng 50 m nước trước sự lẫm liệt của núi với độ cao 550 m, rồi đột ngột đổ xuống như một trò ú tim, tạo ra thác nước cao đến 30 m trong sự ngỡ ngàng đến nguyên sơ, khiến du khách phải dừng chân ngẫm ngợi.

 

Nhưng nếu chỉ có thế thì chưa đủ thuyết phục, rằng Drai Kpơr là một huyền thoại, và nếu có thì cũng chỉ nằm trong quan niệm dân gian mà thôi.

 

Ngồi quanh ché rượu cần bên bập bùng ánh lửa, nghe già làng Ama Bin kể lại những câu chuyện thời kỳ chống đế quốc Mỹ mới thấy những "bí mật" rất khó lý giải.

 

Chuyện rằng: Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Mỹ - Diệm  sau luật 10/59 vô cùng tàn khốc, chế độ gia đình trị là nguyên cơ sinh ra chiến dịch hết sức quái đản là dồn dân, lập ấp với cái tên sặc mùi chiến tranh "nhân dân": Ấp chiến lược trên toàn lãnh thổ miền nam Việt Nam, kể từ bên này vĩ tuyến 17. Tây Nguyên, một vùng đất mang tầm chiến lược, cũng không nằm ngoài chiến dịch ấy. Và Buôn Trưng cũng như nhiều buôn làng khác, nơi mà ý đồ "chiến thuật" mị dân dùng người Thượng làm lực lượng nòng cốt (lực lượng Furô) để triệt tiêu cộng sản nằm vùng được khai thác triệt để. Thế nhưng chúng đã vấp phải sự kháng cự hết sức quyết liệt. Những người già, trẻ con tản cư hết vào rừng, đám thanh niên ở lại tham gia cùng cách mạng giữ làng, giữ rẫy.

 

Căn cứ cách mạng Drai Kpơr hình thành từ thời điểm khó khăn này. Mật danh H1 (mật danh của một đơn vị quân giải phóng) cũng ra đời từ đó và đóng quân ngay dưới chân Drai Kpơr, trong sự hậu thuẫn của nhân dân địa phương. Mỹ - ngụy đã phát hiện ra căn cứ này và điên cuồng tiến hành những cuộc khủng bố trắng, nhưng lạ một điều, bom tạ, bom tấn mà chúng thả xuống nơi đây nếu có quả nào rơi gần căn cứ Drai Kpơr thì... không bao giờ nổ!

 

Anh Ama Rin, bộ đội đặc công thuộc đơn vị V100 thời chống đế quốc Mỹ kể: "Năm 1970, không quân địch tổ chức oanh tạc vào căn cứ, một quả bom rơi ngay cạnh thác đã không thể nổ. Mình tìm cách tháo ngòi nổ, mang vỏ bom về làm "chiến lợi phẩm". Kể từ đó, quả bom câm được dùng làm kẻng báo động, là hiệu lệnh để tập hợp lũ làng mỗi khi có sinh hoạt cộng đồng. Hiện quả bom này vẫn còn được lưu giữ, và là vật không thể thiếu đối với người Buôn Trưng...".

 

Với truyền thống cách mạng, một lòng theo Cụ Hồ, một lòng theo Ðảng, dân làng Buôn Trưng quyết không nghe theo lời kẻ xấu với cái gọi "Nhà nước Ðề Ga" do những thế lực lưu vong phản động tại nước ngoài kích động - Ama Rin đã quả quyết như vậy khi tôi tế nhị nhắc đến câu chuyện buồn vẫn đang là một bài học nóng hổi.

 

Hiện thắng cảnh Drai Kpơr đang được bảo tàng văn hóa tỉnh Ðắk Lắk lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử, với mong muốn đánh thức một địa danh du lịch văn hóa bấy lâu ngủ quên trong rừng.

 

Trong tương lai, bà con Buôn Trưng sẽ vui mừng đón những du khách thập phương đến tham quan. Và, chắc chắn những câu chuyện đẫm mầu huyền tích gắn liền với quá trình đấu tranh giữ đất của người Ê Ðê sẽ lại có dịp vang xa. Không những thế, việc công nhận Drai Kpơr là di sản cấp quốc gia còn nêu cao ý thức bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, để rồi từ niềm tự hào ấy những giá trị về giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mãi được khơi nguồn.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT