Hoạt động của ngành

Thanh Hóa: Gìn giữ và phát huy các môn thể thao dân tộc

Cập nhật: 19/06/2009 15:06:09
Số lần đọc: 2063
Từ lâu, một số dân tộc thiểu số đã hình thành và phát triển những môn thể thao hấp dẫn, phù hợp với điều kiện từng nơi như bắn nỏ, tung còn, đẩy gậy, kéo co, bóng chuyền. Những môn thể thao này không chỉ dừng lại ở trò chơi, mà đã được đưa vào thi đấu mang tính chuyên nghiệp trong các cuộc thi thể thao dân tộc, nên cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

 

                                                               

Từ trò chơi dân gian...

 Trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều trò chơi dân gian được hình thành và phát triển xuất phát từ nhu cầu của người dân thu hút nhiều thế hệ tham gia vận động, vui chơi. Đối với đồng bào các dân tộc vùng cao nói riêng và toàn tỉnh nói chung thì các trò chơi dân gian như: Đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, tung còn, bóng chuyền, đã trở thành nét đẹp mang bản sắc văn hóa, là niềm tự hào của dân tộc. Ngày Tết, chỉ cần một sợi dây thừng là cả chục người đã có thể tham gia trò chơi kéo co. Hay chỉ cần quả còn trong tay, những đôi nam nữ cũng tổ chức được trò chơi ném còn... Hầu hết những trò chơi này đều xuất phát từ chính điều kiện sống, sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc. Bắn nỏ ra đời trong điều kiện sống của người miền núi xưa thường phải đi rừng săn bắn, lao động sản xuất. Con người đã chế tạo ra nỏ để săn bắn thú rừng. Còn kéo co là trò chơi mang tính cộng đồng cao, là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào. Để chiến thắng cần có sự thống nhất về lực của tất cả các vận động viên và như vậy thông thường đội phải cử ra một người bắt nhịp. Những tiếng “hò dô ta” và sự cổ vũ của cổ động viên hai đội “cố lên, cố lên” tạo nên sân chơi lành mạnh mang tính đồng đội, thể hiện sự đoàn kết cao...

 

Thực tế cho thấy, những trò chơi dân gian trên là một nét sinh hoạt mang bản sắc văn hóa của phần lớn đồng bào các dân tộc cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Mỗi dịp xuân về, Tết đến, người dân vùng cao thường tập trung ở những khoảng đất rộng cùng chơi những trò chơi này. Cả người chơi và người cổ vũ cùng cảm thấy phấn khích, vui vẻ.

 

    ... đến thể thao dân tộc

Những trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào thu hút đông đảo người tham gia, mang tính vận động cao, có tác dụng rèn luyện sức khỏe cho đại bộ phận nhân dân đã dần dần được luật hóa trở thành các môn thể thao, tham gia các giải thi đấu. Từ đó, trò chơi dân gian trở thành những môn thể thao dân tộc. Một số môn mang đặc trưng của từng dân tộc, như: ném còn (dân tộc Thái), bắn nỏ (dân tộc Tày, Thái, Mông)...

 

Các môn thể thao dân tộc có đặc điểm chung là không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, dễ tập, dễ chơi, huy động được số đông người tham gia, thích hợp trong các ngày hội, ngày Tết. Từ những trò chơi dân gian được luật hóa, tỉnh ta đã có nhiều môn thể thao dân tộc có thế mạnh như kéo co, đẩy gậy, bóng chuyền, tung còn, bắn nỏ. Vận động viên của các môn thể thao này khá “đặc biệt” và thường không thuộc “biên chế” Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Họ chỉ tham gia thi đấu trong các ngày lễ, ngày Tết và đặc biệt trong các hội thi thể thao dân tộc toàn tỉnh tổ chức 2 năm một lần tại 11 huyện miền núi. Đây cũng là dịp để các vận động viên tham gia thử sức, thi tài và gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Còn trong cuộc sống đời thường, những vận động viên này vẫn là những người nông dân bận rộn với nương rẫy, mùa màng.

 

    Làm gì để gìn giữ và phát huy các môn thể thao dân tộc?

 

Theo lãnh đạo  Phòng Nghiệp vụ thể thao, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch cho biết: Tỉnh ta hiện có 5 môn thể thao truyền thống là bắn nỏ, đẩy gậy, tung còn, bóng chuyền, kéo co. Những môn thể thao này hiện được xác định là những môn thể thao thành tích cao để xây dựng chiến lược đào tạo và có đầu tư trọng điểm. Hàng năm, thông qua các ngày lễ, Tết, hội thi thể thao dân tộc toàn tỉnh, đã tuyển chọn được các vận động viên của những môn thể thao dân tộc từ cơ sở; từ đó hướng dẫn, rèn luyện họ tham gia thi đấu tại các giải.

 

Để bảo tồn và phát huy các môn thể thao dân tộc, cần có chiến lược đầu tư đúng hướng, trọng điểm, tập trung cho những môn có thế mạnh. Hàng năm, trung tâm thể thao ở các cơ sở thường tổ chức hội thi, trong đó tập trung vào một số môn thể thao truyền thống. Việc đưa những môn thể thao dân tộc vào thi đấu trong ngày hội không chỉ thúc đẩy phong trào rèn luyện thể dục – thể thao  trong nhân dân, mà còn góp phần bảo tồn và phát triển các môn thể thao và trò chơi dân gian đang dần bị mai một. Việc phát huy các môn thể thao tại các huyện miền núi rất phù hợp với điều kiện sống và nhu cầu chính đáng của đồng bào nơi đây.

 

Để các môn thể thao truyền thống được duy trì và ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần lành mạnh hóa xã hội, nhất là đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên, cần được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở cả về chủ trương lẫn việc đầu tư cơ sở  vật chất kỹ thuật. Thể thao nói chung và môn thể thao dân tộc truyền thống nói riêng phát triển giúp cho con người ngày càng hoàn thiện toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, góp phần củng cố sức mạnh dân tộc.

 

 

Nguồn: website báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục