Non nước Việt Nam

Thưởng trà Việt trong lễ hội xứ Quảng

Cập nhật: 09/06/2009 08:37:13
Số lần đọc: 2683
Tưởng chừng bị “khuất lấp” bởi hàng loạt hoạt động sôi nổi trên đường phố, trên sông... trong Lễ hội “Quảng Nam-Hành trình di sản” lần IV, nhưng tại nhà cổ số 9 đường Nguyễn Thái Học (TP.Hội An) có một sự kiện rất “tĩnh lặng” vẫn thu hút đông đảo du khách. Đó là chương trình “Hương sắc chè Thái Nguyên” giới thiệu và trình diễn trà đạo Việt Nam, giao lưu văn hóa trà Thái Nguyên…

Trong nền văn hóa truyền thống Việt Nam đã hình thành một dòng chảy “văn hóa trà” từ rất lâu đời. Và uống trà - thưởng trà đã được ông cha nâng lên thành một tình yêu, một thói quen không dễ thay đổi. Các bậc tiền nhân đã kết hợp hài hòa giữa uống trà và thưởng trà thành văn hóa trà, một nghệ thuật độc đáo. Khác với trà đạo Nhật Bản, Trung Quốc mang đậm vẻ sang trọng, quý phái, cầu kỳ, văn hóa trà Việt chuộng sự giản dị, trong sáng, thanh cao. Từ xưa, các nhà trí thức, nhà tu hành, hoàng gia, hoàng tộc, các vị quan lẫn tao nhân mặc khách đã coi thưởng trà hằng ngày như một phong cách sống, một thứ tri âm, tri kỉ. Tiền nhân xem uống trà là một nghi lễ, một hình thức giúp con người tẩy sạch bụi trần, thoát tục, gần gũi với thiên nhiên. Trà, vì thế, như một liều thuốc tinh thần giúp con người trường thọ…

Ngoài ra, điều làm nên sự khác biệt của trà đạo Việt Nam còn ở phong cách thưởng lãm trà. Người Nhật, Trung Quốc xem thưởng trà như một thú chơi tao nhã, còn trà đạo Việt Nam có phong cách thưởng trà giao hòa với tâm linh. Trước khi con cháu thưởng trà bên dưới, thì các vị lớn tuổi trong dòng họ sẽ dâng trà lên tổ tiên, lên các bậc Thánh mẫu, lên Mẫu Thượng ngàn, lên bà Liễu Hạnh... kèm theo các bài hát múa. Thông thường là hát quan họ, hát chầu văn, hát then (dân tộc Tày ở Thái Nguyên). Thưởng trà Việt còn mang phong vị dân gian: mọi người có thể thưởng thức chén trà dưới gốc đa đầu làng khi đi làm đồng về, cùng nhau thưởng trà dưới trăng, ngắm hoa quỳnh và con cháu vẫn có thể nô đùa xung quanh. Trong khi đó, trà đạo Nhật Bản, Trung Quốc thường phải thưởng trà trong không gian gọi là “trà thất” uy nghiêm.

Có lẽ vì thế, nếu có dịp nhìn ngắm những cây trà cổ thụ ở vùng núi cao, hay được thưởng trà trong những chiếc ấm pha trà bằng đồng, bằng đất nung, bằng gốm có nhiều niên đại từ dòng gốm Hàn Việt, Lý, Trần, Lê, Nguyễn... được làm cầu kỳ, tinh xảo, chúng ta sẽ thấy quý hơn giá trị truyền thống- nghệ thuật trà đạo Việt Nam

Chương trình nghệ thuật trà đạo Việt Nam trên “sân trà” là nhà cổ số 9 Nguyễn Thái Học do đoàn tỉnh Thái Nguyên trình diễn gây ấn tượng với rất nhiều du khách trong nước lẫn quốc tế. Những cô gái da trắng má hồng trong trang phục truyền thống bên những chiếu trà trải nền nhà hoặc những mâm trà bàn tre ghế gỗ dưới mái hiên nhà cổ, trong phảng phất hương trà chế biến hay chè lá xanh nguyên… giới thiệu đến du khách một phong cách thưởng thức trà độc đáo thuần Việt đến từ vùng chè nức tiếng: Tân Cương, chè mạn hảo San Tuyết núi cao của tỉnh Thái Nguyên. Sức hút mà trà Việt do đoàn Thái Nguyên đem lại trong Lễ hội “Quảng Nam- Hành trình di sản” là sự kết hợp tinh tế của nhiều vùng đất, nhiều vùng văn hóa. Đó là nước giếng tinh khiết Quảng Nam, chè ngon Tân Cương-nơi từ lâu đã nổi danh là có trà ngon bậc nhất Việt Nam, là chiếc ấm màu xanh ngọc của gốm Bát Tràng-Hà Nội...

Nhiều du khách quốc tế đã ngồi rất lâu để thưởng thức quy trình pha trà Thái Nguyên. Cách uống trà cũng khá đặc biệt. Đầu tiên, tay trái cầm chén trà, mắt nhìn theo tay, đưa chén trà từ tay trái sang tay phải (còn gọi là “du sơn lãm thủy”), bỏ chén trà vào lòng bàn tay xoay nhẹ để cảm nhận hơi nóng của chén. Khi uống, phải lấy tay phải che miệng, ngấp từng ngụm nhỏ để cảm nhận vị chát, đắng và cuối cùng là sự ngọt ngào quyến rũ của lá trà.

Khi du khách được thưởng thức chén trà ngon do các cô gái đang tuổi xuân thì của vùng núi Tân Cương nâng mời, dường như những hoài niệm quý báu, những ý tưởng sáng tạo cũng được nảy sinh với vị trà ngon. Và càng yêu hơn trà đạo Việt Nam, lá trà từ vùng trà nức tiếng Tân Cương, núi cao San Tuyết...

Nguồn: website báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT