Non nước Việt Nam

Bữa cơm gia đình: nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam

Cập nhật: 04/06/2009 09:06:38
Số lần đọc: 4635
Với người Việt Nam, bữa cơm không chỉ là nơi gắn kết các thành viên lại gần nhau, hình thành truyền thống gia đình mà nó còn tạo nên nét đẹp độc đáo riêng biệt trong văn hóa Việt.

Nếu người phương Tây không coi trọng bữa ăn gia đình, con cái trưởng thành đều ra ở riêng thì người Việt lại có thói quen cả nhà cùng nhau dùng bữa cơm chiều. Đó là lúc ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em quây quần bên mâm cơm cùng ăn những món ăn ưa thích do bà và mẹ nấu, kể chuyện trường lớp, công việc cho nhau nghe rồi cùng cười, cùng bàn luận với không khí ấm cúng và thân mật. Bữa ăn làm gia đình thêm đầm ấm, đó chính là sợi dây vô hình gắn kết tình thân của các thành viên trong gia đình.

 

Cấu trúc bữa cơm thường ngày của các gia đình Việt Nam thường rất đơn giản gồm một món canh, một món mặn và một món xào. Thực phẩm được xắt thành miếng nhỏ, vừa mặn như kho hay nhạt như canh hoặc xào, rất thuận lợi cho việc ăn tập thể. Với cách cấu trúc mâm cơm ít thịt mà chủ yếu là rau như thế nên người Việt thường gọi bữa cơm của gia đình mình là “cơm rau” hay “cơm canh”. Độc đáo nhất là món canh, hầu như trên thế giới chỉ có người Việt Nam có cách ăn canh chan vào cơm. Đặc biệt trong bữa cơm không thể thiếu các loại mắm nước hay mắm cái, dưa cà.

 

Các ngày giỗ, tết... trong mâm cơm gia đình còn có thêm một vài món ngon để cúng gia tiên như nem rán, thịt gà... Thường vào ngày này các thành viên tập trung đông đủ hơn. Dù đông hay ít người thì cũng chỉ là thêm đũa, thêm bát chứ đồ ăn cũng không thêm thắt nhiều, mâm cơm ngồi chật hơn bù lại mọi người thêm gần nhau hơn.

 

Truyền thống, nền nếp gia đình cũng được hình thành từ những bữa ăn đạm bạc mà đầm ấm đó. Trong bữa cơm mọi người không chỉ chuyện trò vui vẻ, thể hiện sự quan tâm chia sẻ với nhau mà thông qua đó biết bao bài học quý giá được ông bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu. Đó không chỉ là bài học về văn hóa ăn uống “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” mà còn cả những bài học về văn hóa ứng xử “Học ăn, học nói, học gói, học mở” và biết bao bài học về đạo lý làm người...

 

Cuộc sống công nghiệp bận rộn khiến nhiều gia đình ít có cơ hội được ngồi bên nhau trong bữa cơm thân mật, thế nhưng trong tiềm thức của mỗi người dân Việt khung cảnh mâm cơm gia đình vẫn là nét đẹp không thể thiếu trong đời sống thường nhật. Bữa cơm bao giờ cũng là nơi các thành viên trong gia đình mong ngóng, chờ đợi mỗi ngày để luôn được hưởng những cảm giác được gần gũi nhau hơn trong tình cảm của con cái đối với cha mẹ, ông bà, anh chị em và ngược lại. Là nơi để chia sẻ, giãi bày những công việc trong ngày.

 

Phải chăng vì thế mà mỗi dịp cuối tuần, những người đi công tác xa đều hối hả, mau chóng trở về với tổ ấm riêng của mình, bên mâm cơm ấm cúng để tận hưởng cảm giác bình yên, hạnh phúc.

Nguồn: website báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT