Non nước Việt Nam

Lễ hội cầu mưa của người Chăm Ninh Thuận

Cập nhật: 08/06/2009 09:57:44
Số lần đọc: 2739
Ninh Thuận là dải đất cận cuối Nam Trung Bộ, có khí hậu khô ráo nhất Việt Nam do vị trí địa lý đặc biệt, có nhiều dải núi che chắn, chặn đường đi của gió mùa Tây Nam và Đông Bắc nên rất ít mưa, mỗi năm chỉ có khoảng 60 ngày mưa trong ba tháng, lượng mưa trung bình hàng năm rất thấp (695mm/năm).

Miền đất này là nơi cư trú, sinh sống của hơn 6 vạn đồng bào dân tộc Chăm với những truyền thống, tập tục và bản sắc văn hóa độc đáo.

Lễ hội Cầu đảo (cầu mưa) Palau Sah là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng của người Chăm nhằm tôn vinh thần cai quản nông nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hòa, diễn ra vào ngày 16 tháng 5 âm lịch hàng năm hoặc những khi mưa trễ, hạn hán nặng nề. Lễ hội này thường tổ chức ở các đền tháp Chăm và ở các cửa biển cho chung cả hai cộng đồng Chăm Ahier (Bà-la-môn) và Chăm Awal (Hồi giáo).

Lễ Palau Sah do các vị chức sắc, tu sĩ, thầy cúng Chăm tổ chức và làm chủ lễ nhằm tế cúng các vị thần Chăm Bà- la- môn như Yang Bimon-Yang Aklak, các vị thần Chăm Hồi giáo như Yang Birow – thánh Alla cùng các vị thần sông, thần núi, thần biển, thần sấm...

Cách đây vài mươi năm, địa điểm hành lễ cầu đảo tại các cửa biển ở Ninh Thuận gồm cửa biển Mỹ Tân (Ninh Hải), cửa biển Lâm Ngư (Ninh Hải) và cửa biển Cà Ná (Ninh Phước). Thời gian tiến hành nghi lễ cầu mưa diễn ra cùng một lúc. Tại cửa biển Cà Ná do chức sắc và dân làng thuộc vùng Tháp Pô Rômê cúng lễ. Tại cửa biển Mỹ Tân thì do chức sắc và dân làng thuộc đền Pô Nưgar phụ trách. Tại cửa biển Lâm Ngư việc cúng lễ do chức sắc và dân làng vùng tháp Pô Klong Garai đảm trách.

Lễ cầu đảo Palau Sah có các tiểu lễ sau:

- Rija Harei (lễ múa ban ngày) được diễn ra trong một nhà lễ thô sơ bằng tre nứa, mái lợp tranh hướng về phía mặt trời lặn. Lễ vật gồm 1 con gà, 5 mâm cơm, canh cá và cá khô, 3 mâm chuối, hai mâm trầu, rượu, trứng và 5 mâm chè xôi. Lễ do các thầy cúng (Ka-in), thầy vỗ trống (Basanưng) hát mời các vị thần núi (Po Cơk), thần biển (Po Riyak), thần chèo thuyền (Po Tang Ahuak), và đặc biệt là thần thủy lợi Po Klong Garai... Khi Mưduôn (thầy vỗ trống Basanưng) hát ngợi ca tiểu sử, đức độ, công lao các thần thì thầy bóng múa phụ họa theo tiếng khoan nhặt của trống Ginăng, Basanưng, kèn Sanarai. Dân làng tham gia lễ hội cũng đồng múa.

- Rija Dayuap (lễ cúng ban đêm), lễ này tổ chức vào ban đêm do các thầy cúng và các bà bóng (Muk Pajau) thực hiện. Lễ vật gồm 1 con dê, 5 mâm cơm, xôi chè, trầu cau, rượu trứng, bánh trái... Các vị chủ lễ hát mời các thần về chứng giám và hưởng phẩm vật tế lễ.

- Cuh Yang Apui (lễ tế thần lửa) - do các tu sĩ (Paseh) thực hiện, đây là lễ cúng tế các thần Chăm ở đền tháp và thần lửa (Yang Apui), để cầu thần lửa đem lại sấm, chớp, mây, mưa... Ý nghĩa lễ này giống như lễ “đốt thần lửa” trên các đền tháp Chăm. Có nghĩa là cũng cầu xin, thúc giục Yang Apui tạo ra mưa gió, sấm chớp...

- Gay Bhong (lễ rước gậy thần). Lễ này do nhóm tu sĩ Chăm Hồi giáo thực hiện rất long trọng. Gậy lễ rao giảng kinh Coran được rước từ thánh đường đến cửa sông, cửa biển để cầu mưa. Lễ vật gồm 5 mâm xôi, chè, chuối. Các tu sĩ đọc kinh Coran, cầu thánh Alla về hưởng lễ, dân làng van vái, cầu khấn thánh Alla ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Ngoài lễ hội cầu đảo tổ chức chung rất trọng thể, các làng người Chăm còn tổ chức riêng lẻ các lễ hội cầu mưa cho làng mình, thường vào tháng 4 Chăm lịch. Các thần được cúng tế là Po Nai (nữ hoàng Chăm), thần sóng biển (Riyak)... Các lễ hội này lôi cuốn cả dân làng tham gia rất tưng bừng, nhộn nhịp trở thành ngày hội của các palei (làng, thôn) Chăm.

Sau lễ hội cầu đảo thường có mưa xuống, dân làng vỡ đất cày cấy, xuống giống trên các đồng ruộng, nương rẫy. Một màu xanh đầy sức sống bao phủ lên khắp đồng bằng, rừng núi. Nhưng lo, tránh mưa nhiều gây ngập lụt, người Chăm khi mưa xuống sau lễ cầu đảo còn tổ chức “lễ chặn nguồn nước” (Kap Kruang). Lễ này được thực hiện tại cửa sông lớn như sông Hinh ( Phú Yên) sông Cái (Nha Trang), sông Dinh (Phan Rang)... Lễ diễn ra ở cả hai cộng đồng người Chăm Ahier và Awal với nghi thức khá trọng thể. Lễ vật là 5 mâm cơm và chè xôi. Người Chăm rước gậy lễ (Gay Bhong) của Mohamach ở trong thánh đường đến cửa sông. Có 9 tu sĩ Po Acar (Hồi) mặc áo đen hành lễ. Họ đọc kinh Coran, cầu nguyện đấng Alla xin đừng cho mưa lũ nhiều, gây lụt lội tàn phá mùa màng, nhà cửa, thôn xóm. Kết thúc lễ, tất cả các Po Acar ở trần lội xuống sông làm lễ “té nước”.

Nghi lễ “chặn nguồn nước” này ngoài các vị chức sắc, tu sĩ hành lễ còn có rất đông đảo tín đồ, nhân dân cùng chung dòng nước dâng nhiều phẩm vật tham gia cúng lễ.

Lễ Palau Sah không những là lễ hội cầu mưa đơn thuần mà nó còn là dịp tập trung các chức sắc, tu sĩ, bà con của hai cộng đồng Chăm Bà-la-môn và Chăm Hồi giáo cùng nhau chung mục đích cúng lễ, cầu mong nhân dân được ấm no, mùa màng tốt tươi, tránh được các bệnh tật. Thời điểm vào mùa hè cũng là thời điểm khắp nơi ở các làng Chăm miền Nam Trung bộ sôi nổi, nhộn nhịp vào mùa trẩy hội. Trong cái nắng nhiệt đới oi bức; trong những cơn gió cát dọc dài ven biển... những lễ hội truyền thống của bà con dân tộc Chăm mang đậm đà bản sắc văn hóa, như những cơn mưa mang đến cho đất đai, con người sự sung mãn và những mùa màng tươi tốt, bội thu.

Lễ hội cầu mưa là một sinh hoạt văn hóa dân gian trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng của người Chăm cần được gìn giữ và phát huy. 

Nguồn: website báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT