Hoạt động của ngành

Họp báo giới thiệu hồ sơ di sản ca trù

Cập nhật: 21/04/2009 07:54:57
Số lần đọc: 2719
Chiều 20/4 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức họp báo giới thiệu về bộ hồ sơ di sản ca trù đang được đề nghị UNESCO đưa vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”.

TS. Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc, đơn vị chủ trì xây dựng và soạn thảo hồ sơ theo tiêu chí mới của UNESCO cho biết, bản chỉnh sửa hoàn thiện cuối cùng vừa được gửi lại theo yêu cầu của UNESCO vào ngày 13/4, trước thời hạn hai ngày. Trước đó, bộ hồ sơ đã được hoàn được hoàn tất và gửi đi vào ngày 13/3, ban soạn thảo đã nhận được phản hồi từ phía UNESCO yêu cầu sửa chữa một vài lỗi kỹ thuật. TS. Đặng Hoành Loan, người chịu trách nhiệm chính trong việc lập hồ sơ đã tiến hành sửa chữa hoàn thiện.

 

Bộ hồ sơ gửi đi lần này ngắn gọn trong khuôn khổ 20 trang kèm các phụ lục là một video ngắn thời lượng 10 phút, một video 60 phút, hai album ảnh, đĩa CD-Audio, bản đồ điện tử, sách và báo cáo về di sản… nghĩa là rút gọn rất nhiều so với bộ hồ sơ từng gửi trình UNESCO vào năm 2005 với tiêu chí cũ đề nghị vinh danh ca trù vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Lần này, với tiêu chí mới của UNESCO, ban soạn thảo, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hoá đã quyết định đăng ký ca trù vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

 

Ông Đặng Hoành Loan khẳng định, với những giá trị to lớn và độc đáo vào bậc nhất trong kho tàng di sản âm nhạc của người Việt, cũng như những nguy cơ mất mát mà ca trù đang phải đối diện, ông hoàn toàn tin tưởng  vào việc UNESCO sẽ đưa ca trù vào danh sách những Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

 

Trong những cuộc điền dã mới nhất để tiến hành tổng kiểm kê di sản ca trù trong toàn quốc, ban soạn thảo đã tiến hành khảo sát trên 14 tỉnh thành có ca trù tồn tại, và nhận thấy báo động nhất là tình trạng thưa vắng nghệ nhân. Sau hơn 60 năm đứt đoạn, hiện tại, theo khảo sát của các cán bộ Viện Âm nhạc, hiện còn 21 nghệ nhân ca trù, trong đó chỉ có 12 người còn có khả năng truyền dạy.

 

Mặc dù nói như GS-TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, chưa bao giờ kể từ sau 1945, ca trù lại được quan tâm đến thế, nhưng, những nguy cơ cho thấy di sản âm nhạc dân gian bác học vào loại độc nhất vô nhị này cần được bảo vệ khẩn cấp cũng thể hiện rõ ràng. Đó là hiện tại ca trù đã mất đi môi trường không gian diễn xướng, không còn khán giả thưởng thức, không còn không gian hát chơi. Và theo TS Đặng Hoành Loan, ca trù vẫn đang thức sự quá xa lạ với đời sống cộng đồng. Trong quá trình điền dã trong suốt mấy năm gần đây, ông nhận ra rằng, tầng lớp người dân lớp trung niên từ 50 tuổi trở về sau, kể cả các cán bộ văn hóa ở nhiều tỉnh thành chính nơi có ca trù từng tồn tại, cũng không biết về ca trù.

 

Cùng với việc đệ trình bộ hồ sơ lên UNESCO, Viện Âm nhạc hiện cũng đang xây dựng một chương trình hành động để bảo tồn và phát triển ca trù trong giai đoạn mới, trong đó ưu tiên kiểm kê đánh giá hệ thống hoá ca trù và gấp rút tổ chức truyền dạy.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục