Hoạt động của ngành

Du lịch miền Trung “hiến kế” thu hút khách

Cập nhật: 02/01/2009 14:01:48
Số lần đọc: 2507
Tiếp theo hai hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách thu hút khách do Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) tổ chức tại Hà Nội (18/12) và TP.HCM (24/12), ngày 29/12 vừa qua, một hội nghị tương tự cũng được tổ chức tại Đà Nẵng với sự tham gia của đại diện Bộ VH,TT&DL, Tổng cục Du lịch, các Sở VH,TT&DL cùng các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn tại khu vực miền Trung.

Không cào bằng giảm giá với giảm chất lượng

Phát biểu tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Vũ Thế Bình nhấn mạnh: Tại những hội nghị trước ở Hà Nội, TP.HCM, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã cam kết sẽ tham gia và triển khai chương trình khuyến mãi; giảm giá du lịch bắt đầu từ tháng 1 – 9/2009. Thế nhưng cũng có không ít doanh nghiệp cũng băn khoăn, liệu thực hiện chương trình này thì có thu hút được khách hay không? “Nếu chúng ta khuyến mãi thực sự. Khuyến mãi, giảm giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ, không bớt chất lượng chỗ này một chút; giảm dịch vụ chỗ kia một ít thì chắc chắn hiệu quả của chương trình này sẽ lan rộng. Chúng ta cạnh tranh bằng sự chân thành của những nhà du lịch Việt Nam" - ông Bình khẳng định.

Theo ông Bình, đây là lần đầu tiên chương trình khuyến mãi du lịch được tiến hành xây dựng và triển khai trên phạm vi toàn quốc. Điều này không đơn giản, bởi lẽ, trên thực tế, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam rất khó “kết hợp”, ngồi lại với nhau. Trong khi đó, ngành du lịch những nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Malaysia... lại đã làm được điều ấy và làm rất tốt. Đấy chính là những bài học thực tiễn mà ngành Du lịch Việt Nam cần phải học hỏi và phải cạnh tranh để thu hút khách đến Việt Nam trong tình hình cấp bách hiện nay.

Theo ông Vũ Thế Bình, các doanh nghiệp miền Trung nên tập trung vào thúc đẩy thu hút khách du lịch từ những thị trường khách trọng điểm như: Thị trường khách đến từ các nước ASEAN. Thị trường khách Trung Quốc là một thị trường cực kỳ tiềm năng với du lịch miền Trung, nhưng đây cũng là một thị trường rất “khó tính”.Bên cạnh việc duy trì lượng khách đến từ các thị trường truyền thống như Tây Âu, Bắc Mỹ thì hiện nay thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng là những thị trường tiềm năng cần hướng đến. Một thị trường khách cực kỳ quan trọng mà lâu nay ngành Du lịch Việt Nam thường ít nhắc đến là thị trường khách nội địa thì nay sẽ thành một trong những thị trường quan trọng, “cứu cánh” cho ngành Du lịch nước nhà trong giai đoạn suy thoái. Đặc biệt, trong những dịp lễ, Tết, hội hè, nếu doanh nghiệp miền Trung thu hút được lượng khách nội địa thì sẽ tạo được nguồn thu rất lớn.

Doanh nghiệp miền Trung hiến kế

Đã đến lúc phải hành động. Tất cả các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch tại miền Trung tham gia hội nghị ngày 29/12 đều thống nhất quan điểm trên và hầu hết đều cam kết sẽ cùng với doanh nghiệp cả nước tham gia vào chương trình khuyến mãi giảm giá du lịch sắp đến. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng sau nhiều nỗ lực hợp tác liên kết của các địa phương trọng điểm du lịch của khu vực này như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam...

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH,TT&DL Đà Nẵng cho biết: Không phải đợi đến hội nghị này chúng tôi mới nói đến chuyện liên kết. Mà trước đó, lãnh đạo và doanh nghiệp du lịch tại các địa phương miền Trung đã cùng ngồi lại với nhau để bàn về vấn đề thu hút khách ở những thị trường trọng điểm đến với miền Trung. Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Thành, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh TT-Huế nhấn mạnh: Đã đến lúc chúng ta phải nắm tay nhau.

Theo ông Ngô Quang Vinh thì các ngành chức năng nên sớm công bố gói kích cầu để các địa phương, doanh nghiệp biết được phần nào Trung ương sẽ lo, phần nào là do địa phương tự lo, để từ đó các địa phương sẽ có những kế hoạch cụ thể. Đồng thời ông Vinh cũng kiến nghị các ban, ngành nên quan tâm đến việc hỗ trợ theo khu vực, hỗ trợ việc kết nối và xúc tiến quảng bá cho từng khu vực, làm sao để các địa phương, doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau trên một chuyến tàu. Theo ông, tại miền Trung, các doanh nghiệp và chính quyền cùng xây dựng và đưa ra những chương trình khuyến mãi, giảm giá chung của khu vực, chẳng hạn như 3 địa phương (Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam) – 1 điểm đến, khách hàng cùng hưởng 1 giá, cùng quyền lợi như nhau.

Đại diện Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam cũng đưa ra kiến nghị, trong thời gian tới Bộ nên dành kinh phí cho các nhóm tỉnh liên kết triển khai chương trình quảng bá đến các thị trường trọng điểm của mình. Đừng để rơi vào tình trạng như đã từng xảy ra, khi địa phương đã xây dựng kế hoạch kết hợp quảng bá xúc tiến, nhưng khi trình lên trên thì chuyển từ nơi này sang nơi kia, thậm chí cũng không có thông tin phản hồi. Đồng thời, muốn xây dựng được chương trình khuyến mãi, giảm giá hiệu quả trên toàn quốc thì ngay từ bây giờ, nên ngăn chặn nạn tiêu cực, “hoa hồng” trong nội bộ ngành, giữa một số cá nhân trong doanh nghiệp lữ hành với khách sạn, nhà hàng, cơ sở mua sắm...

“Doanh nghiệp lữ hành, khách sạn cũng nên xây dựng và đưa ra những sản phẩm mới, mang tính liên kết, phối hợp giữa các ngành, giữa các doanh nghiệp và khách hàng sẽ là người hưởng lợi”, ông Cao Tiến Dũng- Trưởng phòng Thị trường Công ty Du lịch Việt Nam (Vitour) tại Đà Nẵng - góp ý. Ông Dũng cũng đề nghị nên quan tâm đến thị trường khách hội nghị, hội thảo.

Tại Quảng Nam, theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh thì ngay trong ngày 30/12, tỉnh công bố rộng rãi 3 chương trình khuyến mãi lớn là: Chương trình đón Năm mới và ăn Tết cổ truyền; Tết Nguyên tiêu tại Hội An; Chương trình Năm du lịch Quảng Nam (dự kiến vào tháng 6/2009) và Chương trình Mùa du lịch biển Quảng Nam.

Các doanh nghiệp lữ hành cũng đưa ra một số góp ý cụ thể về việc khuyến mãi, giảm giá. Đại diện Công ty Lữ hành Hương Giang (Huế) băn khoăn: Liệu sau khi qua cơn khủng hoảng kinh tế các khách sạn có phá vỡ hợp đồng, tự ý tăng giá hay không và đề nghị Tổng cục Du lịch nên có ý kiến với các khách sạn về vấn đề này. Hiện Công ty đang vận hành chuyến tàu hoả du lịch cao cấp tuyến Huế - Đà Nẵng - Hà Nội và cam kết sẽ giảm giá 30%.

Một số doanh nghiệp lữ hành cũng băn khoăn là chương trình khuyến mãi, giảm giá trên toàn quốc bắt đầu từ tháng 1-9/2009; trong khi đó, từ tháng 10 mới là mùa cao điểm khách đến miền Trung, liệu chương trình này có phù hợp, hiệu quả hay không? Theo ông Vũ Thế Bình - Vụ trưởng Vụ Lữ hành - thì chương trình này có thể sẽ “mở” để phù hợp với tình hình thực tế và hiệu quả mà nó mang lại. Nếu quý 3 chưa thực hiện tốt, chưa thu hút được lượng khách du lịch đáng kể thì sẽ tiếp tục thực hiện chương trình giảm giá.

Nguồn: VH

Cùng chuyên mục