Hoạt động của ngành

Sơn Dương (Tuyên Quang) khai thác tiềm năng phát triển du lịch

Cập nhật: 14/01/2009 09:01:07
Số lần đọc: 2067
Huyện Sơn Dương - trung tâm “Thủ đô Kháng chiến”, “Thủ đô Khu Giải phóng” có đến 130 điểm di tích lịch sử văn hóa. Những địa danh nổi tiếng như đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, lán Nà Lừa... đã trở nên quen thuộc đối với du khách gần xa. Khai thác tiềm năng phát triển du lịch lịch sử văn hóa chính là thế mạnh riêng có của huyện.

Khách du lịch đến các điểm di tích lịch sử văn hóa của Sơn Dương năm 2008 tăng hơn nhiều so với năm 2007. Ban quản lý Khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào đã đón 315.000 lượt khách, tăng hơn 100.000 lượt, trong đó có 175.000 lượt khách nước ngoài so với năm ngoái.

 

Lần đầu về với Tân Trào, sinh viên Đào Trung Hiếu, lớp Điện tử D11, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội không khỏi xúc động khi được hiểu thêm về cuộc đời hoạt động cách mạng gian khổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiếu tâm sự, tuổi trẻ hôm nay được sống trong hòa bình, ấm no được đánh đổi bằng sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước. Hiểu thêm về cội nguồn cách mạng, Hiếu và các bạn đều thấy mình cần phải học tập, rèn luyện nhiều hơn nữa, góp sức trẻ xây dựng quê hương giàu mạnh hơn.


Huyện Sơn Dương đã thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển du lịch, trọng tâm là khai thác thế mạnh du lịch lịch sử văn hóa. Ông Lê Khắc Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02, ngày 10/4/2006 của Huyện ủy về phát triển du lịch huyện Sơn Dương giai đoạn 2006 - 2010, tập trung quy hoạch các điểm di tích, có cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư phát triển du lịch, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và phát triển nguồn nhân lực, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về du lịch. Hai năm qua, huyện thường xuyên thực hiện tôn tạo các điểm di tích lịch sử. Trong số 130 điểm di tích, đã có 18 điểm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 30 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.


Làng Văn hóa Tân Lập, xã Tân Trào được xây dựng ngày càng khang trang hơn. Những nếp nhà sàn truyền thống đang được bà con đầu tư tu sửa. Huyện đầu tư quy hoạch xây dựng khuôn viên vườn và tu sửa nhà ở cho 13 hộ gia đình thôn Tân Lập, xây dựng đường bêtông, đường điện của thôn. Theo ông Ma Anh Tuấn, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Tân Lập, ngoài sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước, bà con trong thôn luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đội văn nghệ thôn có 30 thành viên đã sưu tầm những tiết mục văn nghệ truyền thống của dân tộc Tày, xây dựng chương trình luyện tập phục vụ trong những dịp lễ hội và phục vụ khách du lịch. Các hộ gia đình đã sản xuất các sản phẩm đặc trưng của địa phương phục vụ du khách như cơm lam, mật o­ng, rượu nếp cất 2 lần, hàng thổ cẩm, xôi ngũ sắc... Để làm dịch vụ du lịch ngày một chuyên nghiệp hơn, huyện đã cử 18 người, gồm 5 hướng dẫn viên du lịch và đại diện 13 hộ dân thuộc Làng Văn hóa Tân Lập tham gia tập huấn nghiệp vụ về du lịch và tổ chức 2 đoàn đi học cách làm du lịch tại huyện Mai Châu (Hoà Bình).


Theo kế hoạch về phát triển kết cấu hạ tầng các khu, điểm du lịch trên địa bàn, huyện đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng khu đón tiếp khách của Khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào và khu dịch vụ, nhà nghỉ tại thôn Bòng, xã Tân Trào, khu bán hàng lưu niệm phục vụ khách tham quan tại thôn Lũng Búng, xã Tân Trào; xây dựng khu dịch vụ thương mại và du lịch tại thôn Xây Dựng, thị trấn Sơn Dương. Ngoài ra, huyện cũng sẽ đầu tư nâng cấp và xây dựng các tuyến đường giao thông đến khu, điểm du lịch: thác Lũng Tẩu, thôn Tân Lập, xã Tân Trào; đường vào thôn Yên Thượng, xã Trung Yên; đường vào Khu du lịch lịch sử, sinh thái Nha Công an Trung ương, xã Minh Thanh.

 

Huyện đang tiếp tục duy trì và phát triển các lễ hội truyền thống, các loại hình văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc; mở các lớp tập huấn cho cán bộ, nhân dân trong Làng Văn hóa Tân Lập về dịch vụ du lịch, tham quan học tập kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh, tăng cường giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trên quê hương cách mạng có ý thức phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục