Hoạt động của ngành

Du lịch Đà Nẵng - một năm nhìn lại

Cập nhật: 09/01/2009 10:01:21
Số lần đọc: 1955
1/ Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2008 với chủ đề “Vũ điệu Tiên Sa” là sự kiện du lịch đặc sắc, nổi bật nhất của Đà Nẵng trong năm 2008. Cuộc thi đã thu hút hơn 50.000 lượt khách và nhân dân cùng hoà mình vào không khí vui nhộn của những đêm rực rỡ sắc hoa.

Đây là cơ hội lớn đối với ngành du lịch Đà Nẵng để quảng bá hình ảnh thành phố đến với du khách bốn phương; đồng thời đã mang lại những hiệu quả kinh tế thiết thực, giúp các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh kinh doanh, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng năm 2008.

 

Bên cạnh đó lễ hội Quán Thế Âm vào tháng 2 âm lịch hàng năm, các hoạt động du lịch hè với chủ đề “Khát vọng biển xanh” tại các bãi biển Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê và T18… cũng là những sự kiện quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch của thành phố, thu hút khá đông đảo du khách và nhân dân tham dự.

 

2/ Mặc dù chịu sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành du lịch Việt Nam nói chung và của ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng đã đem lại những thành công nhất định. Hoạt động du lịch Đà Nẵng năm 2008 đã có bước tiến đáng phấn khởi; tổng lượt khách du lịch đến thành phố Đà Nẵng ước đạt: 1.269.144 lượt khách, tăng 24% so với năm 2007; tổng doanh thu chuyên ngành du lịch năm 2008 ước đạt: 874,4 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2007.

 

3/ Công tác xúc tiến du lịch được đẩy mạnh tại các thị trường trọng điểm theo hướng chuyên nghiệp, gắn với doanh nghiệp; tổ chức hội thảo khai thác thị trường khách du lịch Thái Lan và điều tra nghiên cứu 4 thị trường khách du lịch trọng điểm (Thái, Nhật, Pháp, Mỹ); hoạt động quảng bá du lịch Đà Nẵng đến du khách trong và ngoài nước được chú trọng như tham gia Roadshow tại Thái Lan và Nga, tham gia hội chợ ITE, quảng bá hình ảnh du lịch miền Trung trên các kênh truyền hình Thái Lan. Ngoài việc xúc tiến phát triển du lịch đường bộ, đường biển, Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển du lịch đường hàng không, tiếp tục khai thác hai đường bay trực tiếp ( Singapore - ĐN và Bangkok - ĐN ), năm nay khai thông thêm hai đường bay thuê bao từ Hàn Quốc (do hãng Asiana và Korean thực hiện) đưa khách Hàn Quốc đến tham quan du lịch Đà Nẵng và các vùng lân cận. Việc lần đầu tiên đưa 02 trạm tra cứu thông tin tại Bảo tàng điêu khắc Chăm và sân bay Đà Nẵng vào hoạt động là những nỗ lực không nhỏ góp phần vào công tác tuyên truyền quảng bá, xây dựng hình ảnh du lịch Đà Nẵng như là một điểm đến lý tưởng cho du khách. Đặc biệt trong năm 2008, công tác xúc tiến du lịch và liên kết vùng giữa sáu tỉnh thành miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định ) sẽ là thế mạnh để du lịch miền Trung nói chung và du lịch Đà Nẵng nói riêng phát triển bền vững.

 

4/ Sản phẩm du lịch và cơ sở hạ tầng ngành du lịch được cải thiện nâng cao; thành phố đã quy hoạch các bãi tắm và đưa bãi tắm du lịch Phạm Văn Đồng vào phục vụ khách với vốn đầu tư 12 tỷ đồng. Các dự án đầu tư du lịch được tiếp tục triển khai; nhiều khách sạn được đầu tư mới và cải tạo nâng cấp như khách sạn Green Plaza (5 sao) , khách sạn Thái Bình Dương (3 sao), khách sạn Phương Đông (3 sao)… được đưa vào sử dụng, nâng tổng số khách sạn trong thành phố lên 134 khách sạn. Bảo tàng điêu khắc Chăm được nâng cấp và mở rộng gian trưng bày hiện vật; Bảo tàng lịch sử Đà Nẵng cũng đang được tập trung đầu tư xây dựng nhằm sớm đưa vào phục vụ khách tham quan trong năm 2009. Nhiều khu mua sắm và dịch vụ giải trí được đưa vào khai thác; có thêm 13 cơ sở dịch vụ du lịch được thẩm định đạt chuẩn, nâng tổng số cơ sở dịch vụ du lịch đạt chuẩn lên 26 cơ sở. Cũng trong năm 2008, Sở đã tiến hành khảo sát Bán đảo Sơn Trà để làm cơ sở xây dựng các chương trình du lịch đặc trưng cho du lịch Đà Nẵng, kết quả cuộc khảo sát cho thấy khả năng trong tương lai sẽ hình thành một số tour - tuyến tham quan mới như: Tour tham quan vòng quanh đỉnh Sơn Trà theo tuyến Yết Kiêu - đường lên đỉnh Sơn Trà - bãi Bắc – bãi Bụt; Tour theo tuyến bãi Bụt – Bãi Bắc - Cây đa – bãi U – Khu du lịch Biển Đông; Tour tham quan, trecking xuyên rừng già, ngắm Voọc theo tuyến Yết Kiêu- Đỉnh 621 – Xuyên rừng – bãi Ôm – Tiên Sa; Tour tham quan tuyến Tiên Sa – Bãi Ôm – Tiên Sa. Bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục đưa vào khai thác và đẩy mạnh quảng bá du lịch đường sông với mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Theo dự kiến tuyến du lịch đường sông có thể bắt đầu từ sông Hàn- Bảo tàng Chăm- Trung Lương- Thái Lai, Bảo tàng Chăm- bán đảo Sơn Trà- Hòn Chảo, sau đó sẽ mở rộng ra Cù Lao Chàm (Hội An); hiện tại đang quy hoạch xây dựng bến neo đậu tàu, cải tạo các điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ trên các tuyến sông để có thể phục vụ du khách vào mùa hè năm 2009. Có thể nói “ du lịch đường sông Đà Nẵng đã ngủ quên khá lâu” và đây là thời điểm để đánh thức và đưa nó trở thành một trong những điểm nhấn cho du lịch thành phố.

 

5/ Môi trường du lịch được quan tâm và đầu tư chiều sâu; công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch Ngũ Hành Sơn, đèo Hải Vân tiếp tục được tăng cường. Trong năm 2008, UBND thành phố đã thành lập Đội an ninh trật tự du lịch tại quận Sơn Trà và quận Hải Châu; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập Đội Sứ giả du lịch (gồm các sinh viên hoạt động tình nguyện) bước đầu đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, chống chèo kéo khách, hướng đến xây dựng hình ảnh đẹp về du lịch Đà Nẵng. Bên cạnh thành phố cũng chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành du lịch thông qua cuộc thi "Tôi là hướng dẫn viên”, chương trình tập huấn với chủ đề “Nụ cười thân thiện” và các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thuyết minh viên, hướng dẫn viên đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên du lịch chuyên nghiệp và năng động.

 

Năm 2008, ngành du lịch Đà Nẵng đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần xây dựng thành phố phát triển bền vững, giữ vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội khu vực miền Trung – Tây nguyên. Bước vào năm 2009, ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục đưa ra những giải pháp và đề xuất để du lịch Đà Nẵng vượt qua ảnh hưởng cuộc khủng hoảng chung. Theo đó việc đẩy mạnh khảo sát các tour tuyến mới, hướng đến thị trường khách du lịch nội địa và các nước ít chịu khủng hoảng mà cụ thể là ưu tiên thị trường Châu Á, có thể xem đây là những bước hoạch định kế hoạch đúng đắn để khắc phục khó khăn, đưa du lịch thành phố hội nhập và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./

Nguồn: Sở VH,TT & DL Đà Nẵng

Cùng chuyên mục