Hoạt động của ngành

Thừa Thiên - Huế phát triển du lịch an toàn, thân thiện với du khách

Cập nhật: 05/07/2017 08:44:13
Số lần đọc: 680
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh Thừa Thiên - Huế đón hơn 1,75 triệu lượt khách, đạt 101,68%, trong đó khách du lịch nước ngoài đạt 609.085 lượt, tăng 4,79%; doanh thu từ du lịch đạt 1.725,8 tỷ đồng, tăng 7,81% so với cùng kỳ năm 2016.

Năm nay, lượng khách đến Huế tăng một phần do kỳ nghỉ lễ trùng với sự kiện Festival Nghề truyền thống Huế 2017 (diễn ra từ ngày 28/4 đến 2/5/2017). Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 có 280.000 lượt khách du lịch đã đến Huế, trong đó có 68.000 lượt khách nước ngoài, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường khách quốc tế đến Huế dẫn đầu vẫn là Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Anh, Thái Lan, Đức, Hà Lan, Australia, Italy, Canada... 

Dịp này, ngành du lịch có nhiều hoạt động kích cầu như: Xây dựng và triển khai chuỗi sản phẩm du lịch, giải trí của các đơn vị lữ hành và cung cấp dịch vụ điểm đến ở Huế; tham quan Đại Nội về đêm, thưởng thức món ăn Huế và ca Huế trên Ngự thuyền Long Quan (Emperor Dragon Boat), tour khám phá di tích và đồng quê bằng xe vespa cổ hoặc bằng xe đạp, tour du lịch cộng đồng tại cầu ngói Thanh Toàn, tham quan làng cổ Phước Tích, tour ngắm hoàng hôn trên phá Tam Giang, tắm suối khoáng nóng và các trò chơi mạo hiểm ở khu Alba Thanh Tân, hoạt động du lịch biển (tắm biển, hoạt động giải trí: cano nước, thuyền kéo phao) ở Lăng Cô... 

Điển hình, tour du lịch tham quan Đại Nội về đêm, bắt đầu mở cửa từ ngày 22/4, bình quân đón khoảng 5.000 người đến tham quan/đêm. Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đây là hoạt động nhằm tạo thêm một điểm nhấn trong hành trình tham quan di sản ở miền Trung nói chung và ở Huế nói riêng. 

Đáng chú ý, đang là mùa hè, thời tiết nắng nóng nên biển Thuận An đã có khoảng 12.000 lượt khách/ngày dịp cuối tuần đến tắm và thưởng thức các món ăn hải sản. Tại các quán, nhà hàng phục vụ ăn uống ở bãi tắm Thuận An vào dịp cuối tuần rất đông khách du lịch. Các món ăn hải sản như cua, tôm, mực, ghẹ... được du khách thưởng thức mà không còn cảm giác e ngại như thời gian trước đây, ảnh hưởng của sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.

Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm phát triển đối ngoại về du lịch, đảm bảo du lịch an toàn và thân thiện. Hiệp hội Du lịch tỉnh tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc định hướng và kết nối các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng trong các hoạt động du lịch, nhất là thống nhất về giá dịch vụ và chất lượng phục vụ du lịch. Sở Du lịch tỉnh nghiên cứu tham mưu cho địa phương hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch và tài liệu thuyết minh về các giá trị di sản, văn hóa của vùng đất cố đô Huế để cung cấp cho các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành có các hướng dẫn viên du lịch; đồng thời soát xét, chấn chỉnh hoạt động của những người làm thuyết minh, hướng dẫn trong các đoàn, tua du lịch và tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách. 

Tỉnh xúc tiến đầu tư và xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; khai thác loại hình du lịch nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh tại các khu nước khoáng nóng Mỹ An và Thanh Tân, Thanh Phước (xã Hương Phong, Hương Trà); tập trung thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch cao cấp cùng các loại hình dịch vụ đẳng cấp cao ở vùng biển, đầm phá và đô thị cao cấp ở Bạch Mã, Chân Mây - Lăng Cô, với trọng tâm là cảng du lịch quốc tế Chân Mây, các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp, những khu phố đêm sôi động, tạo nên sự đối đẳng và bổ sung cho thành phố di sản Huế nhằm thu hút du khách quốc tế; đầu tư hoàn thiện và hình thành các điểm du lịch sinh thái cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng phát triển. Tỉnh hoàn thiện tuyến đường Tự Đức – Thuận An (đoạn từ tỉnh lộ 10 đến Thuận An) để kết nối giao thông thành phố Huế và biển Thuận An, Vinh Thanh, Vinh Xuân và một số bãi biển khác lân cận để gắn du lịch di sản với du lịch biển. 

Tuy nhiên, để tăng lượng khách du lịch và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại tỉnh, vấn đề đầu tiên là phải khơi thông hệ thống giao thông phục vụ đi lại của du khách; trong đó đáng lưu tâm là vấn đề đi lại của khách du lịch bằng đường hàng không; việc mở cửa Đại Nội về đêm cũng cần triển khai và mở rộng các dịch vụ kèm theo để tăng thêm sức thu hút và trải nghiệm cho du khách…/. 

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục