Hoạt động của ngành

Vườn Quốc gia Bái Tử Long - Vườn di sản ASEAN

Cập nhật: 17/05/2017 09:13:47
Số lần đọc: 745
Tại Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học lần thứ 26 tại Myanmar cuối tháng 5/2016, các đại biểu ASEAN và các nước thành viên, đại diện các tổ chức đối tác của ASEAN về bảo tồn và đa dạng sinh học như: GIZ (Cộng hoà liên bang Đức), Liên minh châu Âu (EU), Bộ Môi trường Hàn Quốc... đã thống nhất đề cử Vườn Quốc gia Bái Tử Long (QGBTL), huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh trở thành vườn di sản thứ 38 của ASEAN.


Cán bộ Vườn Quốc gia Bái Tử Long phối hợp thả rùa hộp tràn vàng miền Trung về môi trường tự nhiên ở đảo Ba Mùn

Năm 2017, Tổ chức ASEAN đã chính thức công nhận và ngày 19/5 tới đây tại TP Hạ Long, Vườn QGBTL sẽ chính thức đón nhận danh hiệu này.

Các giá trị đặc hữu

Vườn QGBTL được thành lập ngày 1/6/2001 tại Quyết định số 85/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có diện tích 15.783ha, bao gồm diện tích biển và các đảo nổi, tạo ra quần thể tổ hợp các hệ sinh thái khá độc đáo của hệ thống vườn quốc gia Việt Nam cũng như trên thế giới. Một số hệ sinh thái còn khá nguyên vẹn như: Hệ sinh thái trên núi đất, Hệ sinh thái trên núi đá vôi, Hệ sinh thái thung áng, Hệ sinh thái có biển, Hệ sinh thái rừng ngập mặn và Hệ sinh thái rạn san hô. Các hệ sinh thái này là ngôi nhà chung của 2.235 loài động, thực vật quý hiếm và đặc hữu. Trong đó quần thể thực vật gồm các cây thuộc họ sồi và dẻ, long não, lim xanh, kim giao núi đất... Động vật có các loài thú móng guốc phát triển như: Lợn rừng, hoẵng, nhím, don, báo gấm, nhiều loại rùa... Đặc biệt đây là nơi tồn tại của quần thể nai vàng duy nhất trong vùng Đông Bắc Việt Nam.

Hệ thung áng độc đáo đặc thù chỉ có ở Vườn QGBTL được hình thành từ các thung lũng đá vôi có nước biển xâm thực, điển hình như thung áng Cái Đé. Ở đây có hang luồn Cái Đé, nhiều ngày trong tháng bị ngập trong nước biển, nên ít có sự tác động của con người. Chính vì thế, ở đây hình thành nhiều loài động, thực vật từ xa xưa và hiện chỉ còn tồn tại ở đây. Vườn có 100ha rừng ngập mặn phân bổ ở các điểm: Vụng Cái Quýt, vụng Lỗ Hố, vụng Soi Nhụ, vụng Ổ Lợn, thung áng Cái Đé, thung áng Cái Lim. Ở đây hình thành quần thể cây ngập mặn có niên đại gần 100 năm và nhiều loài thực vật chỉ còn thấy ở Vườn QGBTL. Hệ thống thực vật dưới đáy cát bùn có khoảng 10ha thảm cỏ biển rải rác ở nhiều nơi, đây là nơi tìm đến của các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng như dugong (bò biển), rùa biển là những loài trước đây có rất nhiều ở Vườn QGBTL. Hệ sinh thái san hô của Vườn được coi là đa dạng nhất hành tinh, được ví như “rừng mưa nhiệt đới dưới đáy biển”. Các nhà khoa học nghiên cứu về Vườn QGBTL đã thống kê được ở đây có 106 loài san hô cứng thuộc 34 giống của 12 họ. Đây là mái nhà chung, nơi cung cấp thức ăn cho nhiều loài hải sản biển.  

Nhiều giải pháp bảo tồn

Hệ thống động thực vật phong phú nên công tác bảo vệ Vườn QGBTL càng được tăng cường. Sau 16 năm xây dựng và phát triển, Vườn đã tổ chức trên 32.000 lượt tuần tra trên rừng và biển, trong đó phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng trên 6.000 lượt kiểm tra. Đồng thời thực hiện tốt công tác PCCC rừng, từ khi thành lập đến nay chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra ở đây.  

Do diện tích rừng biển nhiều, lực lượng kiểm lâm mỏng, chi phí xăng dầu cho mỗi lần tuần tra cao, nếu chỉ trông chờ vào lực lượng kiểm lâm thì chưa đủ, Vườn đã đưa ra biện pháp dựa vào cộng đồng dân cư để bảo vệ rừng. Ban Quản lý Vườn phối hợp với chính quyền địa phương nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững thân thiện với môi trường, như nuôi trồng thuỷ sản, phát triển du lịch. Từ nguồn của Chính phủ, Vườn đã chọn ra 22 thôn của 5 xã nằm ở vùng lõi và vùng đệm của Vườn, từ đó đầu tư giúp người dân phát triển sản xuất, như hỗ trợ tiền cây, con giống (40 triệu đồng/xã/năm). Người dân sau khi nhận hỗ trợ phải ký cam kết không phá hoại rừng, biển và tham gia ngăn chặn các hoạt động phá hoại ảnh hưởng đến Vườn. Từ những hoạt động này, mấy năm gần đây đã hoàn toàn không còn việc phá hoại rừng vì mưu sinh của người dân, họ trở thành tai mắt giúp kiểm lâm ngăn chặn các hoạt động của lâm tặc, ngư tặc.

Từ tháng 5/2014, “Phương án chia sẻ lợi ích trong quản lý khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi nhuyễn thể tự nhiên trên vùng đất ngập nước Vườn quốc gia Bái Tử Long” được UBND tỉnh phê duyệt và cho phép hoạt động. Người dân được lựa chọn tham gia nhóm chia sẻ lợi ích, họ được bàn giao khu vực nuôi ốc. Sau khi thu hoạch, họ chỉ phải chia lại 6% sản phẩm cho Vườn để phục vụ công tác bảo tồn. Người tham gia nhóm còn đảm nhiệm việc trông coi liên tục tại hiện trường, nhằm phát hiện đối tượng lạ vào trong khu vực, ngăn chặn và báo với lực lượng kiểm lâm của Vườn.

Với nhiều giải pháp bảo tồn rừng, biển, động, thực vật ở Vườn QGBTL không những đã được bảo tồn nguyên vẹn, mà hằng năm các hoạt động cứu hộ động vật hoang dã đã được quan tâm thực hiện. Mấy năm gần đây Vườn đã phối hợp với một số ban, ngành chăm sóc và thả 200 con động vật các loại lên đảo Ba Mùn, 5 con rùa biển về môi trường biển tự nhiên./.

Nguồn: baoquangninh.com.vn

Cùng chuyên mục