Hoạt động của ngành

Huyện Ba Vì (Hà Nội): Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch

Cập nhật: 09/05/2017 08:52:54
Số lần đọc: 1394
Với nhiều tiềm năng phong phú về cả văn hóa xã hội và tự nhiên, những năm qua, du lịch Ba Vì (Hà Nội) đã và đang có những bước phát triển khá mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều du khách thập phương; đồng thời mang lại cho người dân những hiệu quả kinh tế không nhỏ.


Văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Ba Vì luôn có sức hút đặc biệt với du khách thập phương Ảnh: PA

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi cho rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, Ba Vì được biết đến là nơi tập trung khá nhiều địa điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh của Thủ đô như Khoang Xanh, Thiên Sơn - Suối Ngà, Đầm Long, Ao Vua, quần thể Tản Viên Sơn Thánh… Khai thác những lợi thế đó, đến nay, huyện Ba Vì đã phát triển đa dạng hoá các loại hình du lịch với 3 vùng du lịch chính là khu vực hồ Suối Hai và vùng phụ cận; vùng chân núi Ba Vì; khu vực nước khoáng nóng Thuần Mỹ và rừng nguyên sinh Bằng Tạ. Đến với Ba Vì, du khách sẽ có cơ hội được khám phá các danh lam, thắng cảnh như: Khu du lịch sinh thái Ao Vua, Tản Đà Spa Resort, Đầm Long - Bằng Tạ, hồ Suối Hai, Thiên Sơn - Suối Ngà, Khoang Xanh - Suối Tiên, Vườn quốc gia Ba Vì... Toàn huyện hiện đang có 15 đơn vị kinh doanh du lịch với các sản phẩm chủ yếu như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, cộng đồng, hội thảo... Trong đó, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng là hai loại hình du lịch phát triển mạnh nhất, thu hút nhiều du khách tham gia. Một số địa điềm du lịch nổi tiếng như Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà… đã là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Để lĩnh vực du lịch phát triển mạnh mẽ, huyện Ba Vì đã phối hợp với các đơn vị chuyên ngành xây dựng tư liệu tuyên truyền quảng bá về các điểm đến du lịch hấp dẫn của huyện, in tờ rơi tuyên truyền về du lịch nhằm giới thiệu về các điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn…

Nằm ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, khu du lịch Đầm Long - Bằng Tạ được hình thành trên cơ sở việc bảo tồn và phát triển rừng Bằng Tạ, cải tạo Đầm Long trở thành khu du lịch sinh thái vui chơi giải trí hấp dẫn. Hiện nay, khu rừng sinh thái có tới hơn 400 loại thực vật khác nhau; trong đó nhiều cây quý hiếm tuổi thọ vài trăm năm tạo ra không gian thiên nhiên thoáng mát, thân thiện. Cùng với việc bảo tồn khôi phục cảnh quan thiên nhiên, nhiều sản phẩm du lịch vui chơi giải trí được xây dựng tại đây như khu bể bơi có cầu trượt; khu du thuyền phục vụ cho du khách vừa đạp nước vừa ngắm hoa sen, cảnh quan quanh hồ… Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giáo viên một trường tiểu học ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: “Đây thực sự là không gian thiên nhiên lý tưởng để giáo dục về môi trường, tình yêu thiên nhiên cho các em nhỏ đồng thời cũng là địa điểm để các em thoả thích vui đùa sau những giờ học căng thẳng”.

Theo số liệu của UBND huyện Ba Vì, trong giai đoạn 2010 - 2015, ngành du lịch huyện đã đạt tổng doanh thu khoảng trên 986 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân là 14,2%/năm, tổng lượng khách đạt hơn 11 triệu lượt người, tốc độ tăng bình quân là 4,5%/năm. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nên lượng du khách đến với Ba Vì đã tăng từ 2,38 triệu lượt (năm 2014) lên 2,6 triệu lượt (năm 2016); doanh thu từ du lịch tăng tương ứng từ 220 tỷ đồng lên 260 tỷ đồng. Du lịch đã tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động tại chỗ, nhiều lao động của các vùng lân cận đến kinh doanh trong mùa du lịch; góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương, nhất là người dân tại 7 xã thuộc khu vực miền núi của huyện Ba Vì.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững

Để du lịch phát triển bền vững, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cấp uỷ, chính quyền các cấp ở Ba Vì luôn xác định phải gắn du lịch với bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử - cách mạng truyền thống, giữ gìn môi trường sinh thái bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trên cơ sở sự quan tâm của thành phố Hà Nội, với mục đích mang lại các dịch vụ tốt nhất cho du khách đến tham quan nghỉ dưỡng, huyện Ba Vì đã phối hợp với các đơn vị chức năng và các doanh nghiệp đầu tư, phát triển nhiều tuyến giao thông du lịch như: xây dựng tuyến đường 415 đi đền Hạ, đền Trung dài 6,8 km với số vốn 64 tỷ đồng; tuyến giao thông Ba Vành - Suối Mơ dài 6,6 km với số vốn 51 tỷ đồng; hoàn thiện thủ tục nâng cấp tuyến đường 87 đi khu du lịch Ao Vua và tuyến đường từ Vườn quốc gia Ba Vì đến Khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà, Long Việt…

Để tăng sức thu hút của các điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch ở Ba Vì đã thường xuyên tôn tạo những công trình tôn giáo, tín ngưỡng; nâng cấp nhà ăn, phòng nghỉ, khách sạn, khu vui chơi giải trí... Việc quản lý các hoạt động doanh nghiệp và kinh doanh các khu, điểm du lịch, lữ hành, vận chuyển khách du lịch trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến và đi vào nề nếp. Song song với việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; những năm trở lại đây, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và ban quản lý các điểm du lịch cũng đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự ở các điểm du lịch qua đó tạo tâm lý yên tâm, thoải mái cho du khách thập phương khi đến với Ba Vì.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết: Một nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ này của Đảng bộ Ba Vì đó là phải thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ yếu của huyện góp phần thiết thực khai thác những tiềm năng sẵn có để nâng cao đời sống người dân. Theo đó, Ba Vì phấn đấu đến năm 2020 sẽ đón 3,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 500 tỷ đồng; ngành du lịch sẽ tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động người địa phương…

Được biết, để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Hoàn thiện công tác quy hoạch, công bố và quản lý quy hoạch về du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là những người trực tiếp chỉ đạo, quản lý, thực hiện các dịch vụ du lịch, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp cho người dân, xã viên các HTX du lịch cộng đồng. Đặc biệt là nâng cao vai trò lãnh đạo, cơ chế giám sát trong đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án xây dựng khu du lịch của doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục kêu gọi nguồn vốn của thành phố, doanh nghiệp lớn hỗ trợ làm đường giao thông tới các khu du lịch; tích cực phối hợp triển khai lồng ghép các dự án để nâng cấp những điểm di tích, danh thắng, hỗ trợ xây dựng sản phẩm, tập trung nguồn vốn nâng cấp đường điện, thông tin liên lạc; tạo mối liên kết trong và ngoài huyện, đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến, quản lý điểm đến, tuyên truyền bảo vệ tài nguyên du lịch và tập trung thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch…

Với chiến lược dài hạn và phương châm “gắn khai thác với bảo tồn”, hy vọng trong tương lai không xa, du lịch sẽ thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của Ba Vì. Và phát triển du lịch theo hướng bền vững sẽ là hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân trên địa bàn toàn huyện./.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục