Hoạt động của ngành

Festival Nghề truyền thống Huế 2017: Giữ gìn giá trị của nghề truyền thống

Cập nhật: 03/05/2017 15:10:09
Số lần đọc: 798
Festival Nghề truyền thống Huế 2017 đã khép lại sau 4 ngày diễn ra sôi nổi và ấn tượng. Không chỉ tôn vinh và phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống, lễ hội còn tạo được sự kết nối giữa sản phẩm làng nghề với thị trường tiêu thụ, xây dựng liên kết giữa du lịch với làng nghề, tăng cường hợp tác đầu tư và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội hiện nay…

Lần đầu tiên, Festival Nghề truyền thống Huế có số lượng nghệ nhân tham gia đông nhất từ trước đến nay, với gần 330 nghệ nhân của 40 làng nghề, cơ sở nghề nổi tiếng trong cả nước. Trong đó, nhiều làng nghề lần đầu tham gia như: Làng nghề dệt đũi xã Nam Cao (Thái Bình), dệt lanh thổ cẩm Mai Châu (Hòa Bình), gốm Mỹ Thiện (Quảng Ngãi), làng nghề sản xuất gốm, thảm lục bình xã Bình Ninh (Vĩnh Long)... Bên không gian thơ mộng với hệ thống nhà rường ven sông Hương, các nghệ nhân đã có những màn trình diễn nghề chuyên nghiệp, thú vị, để lại cho du khách những ấn tượng khó quên. Trong đó, không gian ở công viên Tứ Tượng, chỉ dành riêng cho nghề dệt. Từ miền núi Tây Bắc xa xôi đến vùng duyên hải ven biển nắng gió của Nam miền Trung, những nghệ nhân của nghề dệt vải đã thể hiện bàn tay tài hoa của mình để tạo ra một sản phẩm thủ công riêng biệt của mỗi vùng.

 

Về phía quốc tế, có 34 nghệ nhân và thợ đến từ các thành phố Takayama, Saijo, Shizuoka và Công ty thêu Shuei (Nhật Bản); quận Dongnae, thành phố Busan (Hàn Quốc); Công ty Lục Thuận Đại Tử Sa, thành phố Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). 

 

Lần đầu tiên, một Lễ hội Áo dài được tổ chức tại Festival Nghề truyền thống Huế  để lại ấn tượng khó phai. Sân khấu ngay đầu cầu Trường Tiền, với những chuỗi nón lá đặc trưng của Huế và hệ thống cây cỏ, hoa lá như một bức tranh đồng quê. Với chủ đề Hội họa Huế với Áo dài, đêm diễn đã trình làng hơn 200 bộ áo dài của nhiều nhà thiết kế nổi tiếng trong nước. Nền áo dài chính là những tác phẩm nghệ thuật của 16 họa sĩ và cố họa sĩ tên tuổi xứ Huế như: họa sĩ Tôn Thất Đào, Bửu Chỉ, Đinh Cường, Hoàng Đăng Nhuận, Võ Xuân Huy…

 

Tham gia trình diễn cho đêm hội Áo dài có các người mẫu, hoa hậu, á hậu; nữ sinh và người mẫu xứ Huế; những thân hữu của chính họa sĩ Huế… Chương trình Lễ hội áo dài đã được công chúng và du khách đón nhận, đánh giá cao với tính nghệ thuật tinh tế, nhưng dân dã và gần gũi; những mẫu áo dài thiết kế đa dạng với nhiều chất liệu khác nhau…

 

Không gian Festival Nghề truyền thống Huế chủ yếu tập trung hai bên bờ sông Hương thơ mộng  với chuỗi các hoạt động cộng đồng phong phú như: Lễ hội Khinh khí cầu, Khu ẩm thực Huế, Trưng bày diều và Liên hoan Những cánh bay Việt Nam, chương trình  Sắc màu tuổi thơ dành cho thiếu nhi, chương trình Âm nhạc đường phố ở khu nhà Kèn và đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, các điểm trưng bày và triển lãm ở Bảo tàng Văn hóa Huế, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế, Trung tâm Trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng… 

Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên- Huế, Festival Nghề truyền thống Huế trùng với dịp lễ 30/4 nên khách đến Huế tăng mạnh, với khoảng 280.000 khách đến Huế. Lượng khách đặt phòng ở các khách sạn từ 3 sao trở lên đạt khoảng 80%. Lượng khách quốc tế đến Huế dịp này chủ yếu ở các thị trường Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Anh, Thái Lan, Đức…

 

Trong chiều ngày 1/5, Lễ Tế tổ bách nghệ và Lễ rước tôn vinh làng nghề, nghệ nhân cũng đã diễn ra dọc trục đường Lê Lợi- cầu Trường Tiền- Trần Hưng Đạo- cầu Phú Xuân- Lê Lợi. Đây là chuỗi hoạt động mang ý nghĩa tâm linh và ghi nhớ công ơn của các bậc nghệ nhân tiền bối đã khai lập ra các làng nghề truyền thống, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung. Trong buổi tối cùng ngày, chương trình nghệ thuật Bế mạc Festival Nghề truyền thống Huế cũng đã diễn ra ở sân khấu Bia Quốc học (trước cổng trường chuyên Quốc Học Huế). Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, Phó Ban tổ chức khẳng định rằng: Festival Nghề truyền thống Huế 2017 đã thành công tốt đẹp và đã từng bước khẳng định thương hiệu, uy tín trong lòng công chúng và du khách, cũng như nghệ nhân các làng nghề truyền thống trong cả nước; yếu tố quốc tế của Festival đã từng bước được định hình, xây dựng. Festival Nghề truyền thống Huế 2017 góp phần tạo thêm một điểm nhấn trong hành trình tham quan di sản ở miền Trung nói chung và Huế nói riêng nhằm kích cầu tăng trưởng du lịch của địa phương.../.

Nguồn: baovanhoa.vn

Cùng chuyên mục