Hoạt động của ngành

Đưa ĐBSCL trở thành vùng du lịch đặc thù

Cập nhật: 07/04/2017 09:25:19
Số lần đọc: 1061
Với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, thời gian qua, ngành du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có những bước phát triển mạnh, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, cũng như toàn vùng.


Ảnh: Internet

Ngày 5/4, tại Cần Thơ, Tổng cục Du lịch phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức hội nghị công bố và triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, Quyết định 2227/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/11/2016 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 hướng đến mục tiêu đưa du lịch vùng ĐBSCL trở thành vùng du lịch đặc thù của cả nước.

Để Quyết định 2227 đi vào cuộc sống, Tổng cục Du lịch đề nghị lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, các doanh nghiệp và các bên liên quan tập trung quán triệt sâu rộng, nắm vững tinh thần nội dung, quan điểm, mục tiêu, định hướng, các giải pháp thực thi... của Quyết định; đồng thời gắn với việc triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đến năm 2020 toàn vùng ĐBSCL sẽ đón khoảng 34 triệu lượt khách (trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế) và đến năm 2030 đón khoảng 52 triệu lượt khách (trong đó có khoảng 6,5 triệu lượt khách quốc tế). Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt trên 111.000 tỷ đồng.

Đến năm 2020, toàn vùng sẽ có khoảng 53.000 phòng khách sạn, trong đó tỷ lệ phòng đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao chiếm khoảng 15%; đến năm 2030 đạt khoảng 100.000 phòng khách sạn và 30% số phòng đạt chuẩn 3-5 sao.

Đến năm 2020 sẽ tạo việc làm cho khoảng 230.000 lao động, trong đó có 77.000 lao động trực tiếp. Đến năm 2030 sẽ tạo việc làm cho 450.000 lao động, trong đó có 150.000 lao động trực tiếp.

ĐBSCL ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc thù, bao gồm: Du lịch trải nghiệm đời sống sông nước, du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu di sản văn hóa; củng cố các sản phẩm chính, bao gồm nghỉ dưỡng biển-đảo và vui chơi giải trí; đa dạng hóa các sản phẩm bổ trợ, bao gồm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch tìm hiểu các di tích lịch sử cách mạng, du lịch hội nghị-sự kiện; phát triển đồng thời thị trường khách du lịch nội địa và thị trường khách du lịch quốc tế...

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục