Hoạt động của ngành

Hội thảo tìm giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bình Định

Cập nhật: 20/02/2017 13:57:54
Số lần đọc: 902
Ngày 18/2, tại TP. Quy Nhơn đã diễn ra Hội thảo khoa học “Phát triển sản phẩm du lịch (DL) đặc trưng tỉnh Bình Định đến năm 2030”. Hội thảo do Trường Đại học Quy Nhơn phối hợp với Sở KH-CN, Sở Du lịch tổ chức. Tham dự Hội thảo có trên 50 đại biểu là nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến từ các trường đại học, cao đẳng, Hiệp hội DL Việt Nam và một số sở, ngành, công ty DL một số tỉnh, thành phố miền Trung…

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các nhà nghiên cứu trình bày tham luận, trong đó có một số tham luận quan trọng, như: “Đánh giá môi trường DL Bình Định hiện nay”; “Đánh giá sản phẩm DL từ các góc nhìn”; “Định hướng sản phẩm DL đặc trưng  tỉnh Bình Định và giải pháp phát triển”...

Theo các nhà nghiên cứu, Bình Định là một trong những địa phương có vị trí địa lý, vị trí DL quan trọng và thuận lợi để liên kết vùng phát triển DL; đồng thời là tỉnh có nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, nhất là tiềm năng về DL biển, đảo, đầm, hồ, sông, suối; tài nguyên về nhân văn, truyền thống “Đất võ - Trời văn”...

Đáng lưu ý, vừa qua, UBND  tỉnh đã có Quyết định số 2140/QĐ-UBND về việc phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển DL tỉnh Bình Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”...

Tuy nhiên, ngành DL Bình Định còn gặp nhiều khó khăn, như: Hạ tầng phục vụ cho DL còn yếu và thiếu, nhất là cầu tàu, cảng biển DL, nhà vệ sinh công cộng tại các điểm DL, số chuyến bay đến tỉnh chưa nhiều, giờ bay ít thuận lợi cho du khách; chất lượng đội ngũ lao động DL chưa cao, chưa đồng đều, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại  ngữ chưa đáp ứng so với yêu cầu phát triển, nhất là đối với lực lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên, lễ tân và quản lý doanh nghiệp...

Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp phát triển sản phẩm DL đặc trưng tỉnh Bình Định đến năm 2030, như: Đầu tư phát triển hệ thống sản phẩm DL đặc trưng; Liên kết phát triển sản phẩm DL đặc thù; Nâng cao tính hấp dẫn của các dòng sản phẩm và tuyến DL; Nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm DL; Đảm bảo an ninh, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh công cộng...

Về các dòng sản phẩm DL chủ yếu mà các nhà nghiên cứu đề nghị cần ưu tiên phát triển, gồm có: Dòng sản phẩm DL nghỉ dưỡng biển, đảo; dòng sản phẩm DL di sản văn hóa, lịch sử; Các sản phẩm DL bổ trợ, mở rộng, phát triển…

Nguồn: Báo Bình Định

Cùng chuyên mục