Hoạt động của ngành

Bình Liêu (Quảng Ninh): Bảo tồn giá trị văn hoá đặc sắc của các dân tộc

Cập nhật: 07/12/2016 08:41:01
Số lần đọc: 718
Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, huyện Bình Liêu đã xác định rõ: Văn hoá truyền thống chính là hồn cốt của quốc gia, dân tộc, nền tảng tinh thần to lớn tạo nên sự phát triển của xã hội. Do đó, huyện đã chủ động xây dựng và thực hiện nhiều chương trình hành động nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc. Điều đó được thể hiện rõ nét thông qua các lễ hội của địa phương như: Lễ hội đình Lục Nà, hội Soóng cọ, ngày kiêng gió, đặc biệt là Hội hoa Sở sẽ diễn ra trong thời gian tới.


Hội viên CLB Hát then xã Tình Húc tập luyện tiết mục múa đàn tính để chuẩn bị cho Hội hoa Sở.

Với trên 96% dân số là người dân tộc thiểu số cùng sinh sống (Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa), bên cạnh những nét chung về văn hoá cộng đồng, mỗi dân tộc đều có một nét văn hoá đặc trưng, riêng biệt của dân tộc mình, tạo nên một nền văn hoá truyền thống phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, kết tinh nên những giá trị nhân văn. Ở Bình Liêu, các ngày lễ, Tết hàng năm cũng rất đa dạng và phong phú, hầu hết các dân tộc đều thờ cúng tổ tiên, thổ công, thành hoàng làng... theo quan niệm vạn vật nghiệm linh. Mỗi dân tộc trên địa bàn có một trang phục riêng, với những văn hoá ẩm thực phong phú và hấp dẫn. Đến Bình Liêu hôm nay, chúng ta còn có thể thưởng thức những làn điệu dân ca riêng của mỗi dân tộc như: Then của người Tày, soóng cọ của người Sán Chỉ, sán cố của người Dao... Đặc biệt, từ khi Then nghi lễ của người Tày được đưa vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể vào năm 2013 đã tạo thêm động lực để các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện tích cực tham gia công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc mình.

Có mặt tại thôn Chang Nà, xã Tình Húc vào những ngày này, chúng tôi có thể cảm nhận rõ nét không khí rộn ràng của bà con các dân tộc nơi đây đang khẩn trương, tích cực tập luyện các tiết mục văn nghệ để biểu diễn trong Hội hoa Sở sắp diễn ra. Bà Vi Thị Hỷ, thành viên của đội văn nghệ, chia sẻ: “Được huyện, xã, thôn mời biểu diễn trong Hội hoa Sở, chúng tôi rất phấn khởi, vì đây là dịp để chúng tôi thể hiện những nét văn hoá truyền thống của dân tộc Tày, thông qua trang phục, điệu múa, lời hát then, tiếng đàn tính. Chúng tôi sẽ biểu diễn hai tiết mục là đàn tính và hát then. Đến nay, cả hai tiết mục đều được các chị em trong đoàn luyện tập nhuần nhuyễn. Qua đây, tôi cũng mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, nhất là tạo nhiều cơ hội để văn hoá dân tộc huyện Bình Liêu được nhiều người biết đến hơn nữa”.

Để thực hiện việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống được hiệu quả, huyện Bình Liêu tăng cường công tác sưu tầm, biên soạn những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn; tạo môi trường văn hoá thuận lợi để các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp được phát huy trong đời sống. Đặc biệt, huyện rất quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống văn hoá cho thế hệ trẻ. Đồng thời, khuyến khích mở các lớp truyền dạy kỹ năng hát các làn điệu của từng dân tộc trong nhân dân. Qua đó, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn mang tính hiệu quả, bền vững./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục