Tin tức - Sự kiện

Khai mạc: Hội thảo quốc tế về Hoàng thành Thăng Long

Cập nhật: 24/11/2008 09:11:32
Số lần đọc: 1576
Hội thảo quốc tế "Nhận diện giá trị Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (HTTL) sau 5 năm nghiên cứu so sánh (2004 - 2008)" chính thức khai mạc hôm nay (24/11) tại Hà Nội. Trong khoảng thời gian ấy, tầm vóc, quy mô và giá trị của di tích HTTL ngày càng được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khẳng định.

Giá trị toàn cầu

 

Cuộc khai quật "chữa cháy" tại 18 Hoàng Diệu (Hà Nội) bắt đầu từ cuối tháng 12-2002 đã trở thành một trong những sự kiện khảo cổ học lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Sự kiện này cũng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu Nhật Bản, Pháp, I-ta-li-a...

 

Đoàn chuyên gia Nhật Bản khi nghiên cứu HTTL đã khẳng định: Tình hình lưu giữ những di tích khảo cổ học trong lòng đất khá tốt và hầu như khu vực châu Á không có di tích cung điện nào được bảo tồn trong lòng đất khá tốt như ở Thăng Long. Trên thế giới có di tích cố đô nổi tiếng như Fono Romano ở Rô-ma (I-ta-li-a), Trường An (Trung Quốc), Heijo Kyo ở Nara (Nhật Bản), tất cả đều được thừa nhận như di sản văn hóa của nhân loại và xếp hàng di sản thế giới. Giờ đây, một di tích có giá trị tương đồng và còn hay hơn các di tích cố đô như đã nói ở trên mới xuất hiện giữa lòng Hà Nội. Nếu so sánh với kinh đô Nara thì con số khoảng 1.300 năm của Thăng Long sẽ rất có ý nghĩa. Còn các kinh đô cổ của Trung Quốc, Triều Tiên thì chưa có nhiều cuộc khai quật và nghiên cứu.

 

Sau 5 năm nghiên cứu HTTL, các chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều kết quả bất ngờ. Đó là việc có những mặt bằng bê tông nhà hiện đại, ban đầu mọi người tưởng dưới đó di tích đã bị phá hủy hết, nhưng khi đào sâu xuống, đã tìm ra những kiến trúc Bát giác thời Lý rất độc đáo, chưa từng phát lộ và công bố trước đây. Các chuyên gia phán đoán nhiều khả năng đây là loại công trình kiến trúc kiểu điện Thiên Khánh (nơi Vua nghe chính sự) ghi trong chính sử. Hoặc việc nhận ra loại gốm cao cấp nhất của thế kỉ XV của Việt Nam được sản xuất chính tại Thăng Long với trình độ cao. Đây cũng chính là gốm sứ cao cấp xuất khẩu đi các nước Đông Nam Á và một số nước khu vực châu Á.

 

Giáo sư Ueno Kunikazu, Trưởng đoàn chuyên gia Nhật Bản đánh giá thêm: Nghiên cứu di tích HTTL có khả năng và triển vọng viết lại những lịch sử kiến trúc, văn hóa của các đô thị và cung điện cổ ở châu Á; đồng thời sẽ làm rõ thêm về quá trình xây dựng kinh thành hay các kiến trúc và kĩ thuật xây dựng của nó như cách xây kiến trúc mới, cách phá kiến trúc thời trước và kĩ thuật xây nền nhà... Điều này sẽ chứng minh trình độ cao và tiềm lực to lớn của nhân dân Việt Nam thời xa xưa.

 

Giáo sư Yun Hyeung Won, chuyên gia Cục Di sản Hàn Quốc cho rằng: HTTL có nhiều nét giống cố đô Silla của Hàn Quốc nhưng quy mô rộng lớn và các tầng văn hóa dày đặc hơn. Đây không chỉ là di sản của Việt Nam mà còn là của thế giới.

 

Nhận diện và phát huy

 

5 năm qua, việc nghiên cứu về HTTL mới chỉ là bước đầu, đặc biệt là trong điều kiện bảo tồn di tích tại chỗ hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam. Đã vậy, diện tích khai quật hiện nay lại khá rộng. Trên phần diện tích đó, di tích lại quá phong phú, chồng chéo, đan xen lẫn nhau và quan trọng là Việt Nam chưa có quy trình khoa học cho việc xây dựng, bảo vệ - bảo quản, duy tu - bảo dưỡng hằng ngày, phát huy tác dụng như thế nào? Theo kinh nghiệm quốc tế, muốn đề xuất phương án tối ưu thì phải đầu tư nghiên cứu rất kỹ, cơ bản, tư liệu hóa toàn bộ di tích đó, trên cơ sở đó mới tính toán, xác định khu vực nào có thể phát huy ngay, khu vực nào có thể tạm thời bảo vệ theo biện pháp truyền thống để khi có điều kiện sẽ tiếp tục trở lại nghiên cứu phát huy, đồng thời đề xuất các giải pháp đi kèm. Đây chính là những thử thách không nhỏ, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều ngành và các nhà khoa học, đôi khi phải mất cả chục năm.

 

Để góp phần đánh giá giá trị và hướng tới Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010), đồng thời quảng bá giá trị của khu di sản, Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế "Nhận diện giá trị khu di tích HTTL sau 5 năm nghiên cứu so sánh". Mục đích chính của hội thảo là tổng kết, đánh giá kết quả nghiên cứu từ năm 2004 đến nay về khu di tích 18 Hoàng Diệu; nhận diện vị trí, vai trò của Kinh đô Thăng Long trong lịch sử châu Á qua nghiên cứu so sánh với các kinh thành khu vực Đông Nam Á, Đông Á (như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc), từ đó góp phần nhận diện rõ hơn về những giá trị căn bản của khu di tích trên nhiều phương diện như quy hoạch đô thị, cảnh quan, sự giao thoa văn hóa... Hội thảo cũng nhằm đề xuất ý tưởng nghiên cứu quy hoạch bảo tồn, bảo tàng và phát huy giá trị lâu dài của khu di tích trong tương lai.

 

Chỉ còn chưa đầy 700 ngày nữa sẽ đến Đại lễ 1000 năm, sẽ công bố những tư liệu hiện vật giá trị với trong nước và quốc tế, có giải pháp khai thác phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của công chúng chính là câu hỏi dành cho không chỉ riêng giới khảo cổ.

Nguồn: HNM

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT