Tin tức - Sự kiện

Hoà Bình: Phát hiện tiếp dấu mòn lối đi cổ 21 ngàn năm tại hang Xóm Trại, Tân Lập, Huyện Lạc Sơn

Cập nhật: 24/11/2008 09:16:53
Số lần đọc: 1560
Hang Xóm Trại là một hang tiêu biểu của văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam và Đông Nam Á. Các nhà khảo cổ học thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á vừa phát hiện tiếp hệ thống dấu mòn đi lại của người nguyên thuỷ ở ngách hang phía bắc tại hang Xóm Trại (xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình). Các trầm tích văn hoá của cư dân nguyên thuỷ thuộc văn hoá Hoà Bình có tuổi carbon phóng xạ sau khi hiệu chỉnh vòng cây là 21 ngàn năm phủ trực tiếp trên các vết mòn xác nhận các dấu mòn đi lại này diễn ra từ cùng thời hoặc trước 21 ngàn năm nay.

Hang Xóm Trại là một hang tiêu biểu của văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam và Đông Nam Á. Hang nằm trong phạm vi Mường Vang cổ thuộc địa phận Xóm Trại xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Hang được phát hiện năm 1974-75 sau đó đã được thăm dò khai quật 4 lần (1981, 1982, 1986 và 2004. Năm 2005, Bộ văn hoá đã cấp bằng Di tích Khảo cổ học cấp quốc gia. Hiện tại hang đang được Bảo tàng Tỉnh Hoà Bình phối hợp với Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đầu tư bảo quản và tôn tạo.

Trong quá trình nghiên cứu lập dự án bảo vệ và tôn tạo năm 2004, các nhà nghiên cứu của Bảo tàng Hoà Bình và Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã phát hiện dấu mòn đi lại tiền sử dài chừng 6 mét ở phía nam cửa hang. Khi mới phát hiện, hệ thống các dấu mòn này nằm sâu dưới mặt tầng văn hoá Hoà Bình 60-70cm, tương đương niên đại 8-9 ngàn năm cách ngày nay, trong tình trạng được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Cách đây gần một tháng, các nhà khảo cổ học thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã tìm ra dấu đi dài chừng 10m nối đoạn đường trên từ cửa hang xuống phía dưới chân núi. Cũng từ năm 2004, nhóm nghiên cứu liên hợp của Bảo tàng Hoà Bình với Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã phát hiện ngách đi vào hang sớm nhất của những người Hoà Bình đầu tiên sử dụng hang này. Ngách đi này nằm sâu dưới mặt tầng văn hoá cổ chừng 4 mét, len qua khoảng cách giữa các khối đá lăn với vách cửa hang. Tuy nhiên, do thời gian và điều kiện tầng văn hoá bị nước nhũ kết cứng, năm 2004.


Hiện tại 6 vết mòn sâu và lớn đã được phát hiện bên dưới tầng văn hoá Hoà Bình đã và đang trong quá trình bị nước nhũ kết cứng. Khả năng các vết mòn này có thể còn được phát hiện nhiều hơn. So với hệ thống vết mòn muộn hơn ở vách nam cửa hang thì những dấu vết này có độ mòn sử dụng lâu và rõ rệt hơn nhiều. Chứng tỏ con đường này tồn tại trong nhiều ngàn năm, từ trước 21 ngàn năm cho đến khi những đợt đá rơi đầu thời kỳ địa chất toàn tân diễn ra trong khoảng 10 ngàn năm cách nay.

Phát hiện các lối đi cổ thời tiền sử là một thành tựu nghiên cứu rất có ý nghĩa của nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á. Phát hiện hệ thống dấu mòn lối đi có niên đại trên 21 ngàn năm có thể coi như phát hiện đầu tiên ở Đông Nam Á và thuộc loại những phát hiện hiếm có trên thế giới. Hiện tại, các dấu mòn này đang được dự kiến làm khuôn silicon và bảo quản bằng các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. 

Nguồn: website VOV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT