Hoạt động của ngành

Hướng đi mới của du lịch Ba Tri – Bến Tre

Cập nhật: 06/03/2015 15:42:44
Số lần đọc: 3288
Khác với huyện đầu nguồn nước ngọt Chợ Lách nổi tiếng với nhiều loại trái cây chuyên canh và cây giống, hoa kiểng, vùng đất biển Ba Tri lại mang một vẻ đẹp diụ dàng, e ấp nhưng cũng không kém phần hấp dẫn với những xóm làng bình dị, nên thơ và những con người chân chất, nghĩa tình. Vùng đất "địa linh nhân kiệt" Ba Tri có nhiều di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh được công nhận, một vườn chim Vàm Hồ với sự đa dạng sinh học cao, cùng với những làng nghề truyền thống nổi tiếng và tiềm năng du lịch biển. Ba Tri đang ngày càng hấp dẫn du khách, với nhiều di tích văn hóa - lịch sử, làng nghề và du lịch biển đang là một hướng đi mới.

Theo thống kê của phòng Văn hóa - Thông tin huyện, Ba Tri hiện có 04 di tích cấp quốc gia và 02 di tích cấp tỉnh được công nhận. Trong đó, một số di tích văn hóa - lịch sử thu hút du khách trong và ngoài tỉnh như: Di tích văn hóa - lịch sử Mộ và Đền thờ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức - Ba Tri), di tích Mộ và Đền thờ nhà giáo Võ Trường Toản (xã Bảo Thạnh - Ba Tri), di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phú Lễ (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri), di tích văn hóa - lịch sử nhà ông Nguyễn Văn Cung và ngã ba Cây Da Đôi - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bến Tre (xã Tân Xuân - Ba Tri). Đây là những điểm di tích trọng điểm của huyện Ba Tri, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch về nguồn.

Về Ba Tri, du khách sẽ tham quan các di tích văn hóa - lịch sử để ôn lại truyền thống yêu nước, những trang sử hào hùng của thế hệ cha ông đi trước, phát huy truyền thống cách mạng, tìm hiểu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng của các danh nhân, khám phá kiến trúc nghệ thuật độc đáo của những ngôi đình làng cổ với nhiều hiện vật phong phú, không chỉ có giá trị lịch sử mà còn mang nhiều giá trị mỹ thuật và giá trị nhân văn sâu sắc, trải nghiệm sản phẩm thủ công nơi làng nghề như: Làng nghề đan đát và nấu rượu Phú Lễ, làng nghề bánh phồng Phú Ngãi, nơi làm nên những chiếc bánh phồng mang đậm hương vị quê hương,  làng nghề sản xuất muối Bảo Thạnh hay làng nghề cá khô An Thủy với địa danh Tiệm Tôm nổi tiếng.  

Với bờ biển dài  trên 20km, ngoài thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, Ba Tri còn có nhiều điều kiện để phát triển du lịch biển với nhiều bãi biển đẹp như Bãi Ngao, cồn Tròn, cồn Hố, cồn Nhàn. Ngoài ra, nơi đây có những khu rừng ngập mặn ven biển như đước, mắm, bần, góp phần chống xói mòn, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, có nhiều loại thủy hải sản ngon, phong phú, tạo nên sự đa dạng trong ẩm thực xứ biển.

Bên cạnh đó, Ba Tri còn là điểm đến thu hút nhiều du khách với lễ hội truyền thống văn hóa được tổ chức thường niên từ ngày 01/7 đến 03/7 tại khu di tích Nguyễn Đình Chiểu. Đây là dịp để du khách hòa mình vào không khí tưng bừng, rộn ràng của các hoạt động văn hóa, văn nghệ của lễ hội như: Liên hoan Đờn ca tài tử và hóa trang các nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu; lễ dâng hương, hội thi mâm cơm ngày giỗ, mâm xôi ngày hội, các trò chơi dân gian.

Hay tham gia lễ hội cúng đình (Lễ Kỳ Yên) ở đình Phú Lễ được tổ chức vào 18 và 19 tháng 03 âm lịch hàng năm với lễ thượng điền và hạ điền đều có lễ rước sắc thần, cùng hội làng náo nhiệt với nhiều trò chơi dân gian, hát bội, hát sắc bùa Phú Lễ. Ðây là lễ hội mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước, thu hút hàng nghìn người dân tham gia. Mặt khác, Ba Tri còn hấp dẫn du khách bởi lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào trung tuần tháng 6 âm lịch hằng năm tại xã An Thủy, huyện Ba Tri hòa cùng không khí sôi nổi của lễ hội, mang đậm nét truyền thống văn hóa của cư dân miệt biển, cầu cho mưa thuận gió hòa, đánh bắt cá có một mùa bội thu.

Với ưu thế phát triển kết hợp nhiều loại hình du lịch như vậy, nên trong thời gian gần đây, các công ty du lịch tại Bến Tre cũng đã tập trung khai thác các chương trình tham quan tại huyện Ba Tri như: Đưa du khách đi tham quan các di tích văn hóa - lịch sử, khám phá vườn chim Vàm Hồ, tham quan công trình kiến trúc nghệ thuật đình Phú Lễ, khám phá  các bãi biển đẹp và thưởng thức hải sản biển tươi sống. Mặc khác, các doanh nghiệp này cũng đưa khách khám phá các làng nghề truyền thống của huyện để gắn kết giữa du lịch về nguồn với du lịch biển và du lịch làng nghề tạo nên sự đa dạng sản phẩm trong tour du lịch về với vùng đất biển Ba Tri.

Nhìn chung hệ thống di tích ở Ba Tri chỉ mới chú trọng tới hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm theo cách truyền thống mà chưa quan tâm đến việc đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ, công tác xúc tiến, quảng bá  hình ảnh đất và người Ba Tri cũng còn nhiều hạn chế, sản phẩm của các làng nghề cũng chưa tạo ra sự đa dạng riêng, do người dân chỉ sản xuất theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ, chưa được hỗ trợ đầu ra sản phẩm, cải tiến khoa học kỹ thuật và tập huấn nâng cao tay nghề cho các nghệ nhân, làng nghề chưa thật sự gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh, du lịch biển Ba Tri có nhiều tiềm năng lớn nhưng vẫn còn hoang sơ, chưa được đầu tư khai thác một cách chuyên nghiệp.

Ông Lê Chí Linh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Bến Tre, cho biết: "Trong bộ tour tham quan Bến Tre, chúng tôi luôn thiết kế đủ các điểm đến đặc trưng của từng địa phương, từ khám phá miền sông nước, tham quan vườn trái cây, làng nghề đến tìm hiểu các di tích văn hóa - lịch sử, các công trình kiến trúc cổ... Tuy nhiên, mảng du lịch tìm hiểu di tích vẫn chưa được khai thác sâu. Trong tour về nguồn tham quan Ba Tri, ngoài di tích Nguyễn Đình Chiểu, đình Phú Lễ, các di tích khác chỉ có thể đưa khách “cưỡi ngựa xem hoa”, dễ nhàm chán. Để thu hút khách, các di tích ở đây cần tạo sự đa dạng thêm dịch vụ".

Theo các nhà kinh doanh du lịch, muốn hướng du lịch phát triển bền vững, nhất thiết phải gắn kết với văn hóa và quảng bá văn hóa. Việc khai thác du lịch gắn với di tích văn hóa - lịch sử, làng nghề và du lịch biển được xem là giải pháp để Ba Tri  làm mới mình và ngày càng hấp dẫn hơn trong mắt khách du lịch. Ba Tri cần nghiên cứu các sản phẩm du lịch mới, tạo nên sự đa dạng các loại hình du lịch, gắn kết nhiều hơn nữa với các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh, ngoài tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành tại thành phố Hồ Chí Minh vì đây là trung tâm trung chuyển lượng du khách trong nước và quốc tế về các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bến Tre.

Bên cạnh đó, Ba Tri cần phối hợp với các ngành, các cấp quản lý về du lịch mở nhiều lớp đào tạo về nghiệp vụ thuyết minh viên du lịch tại các điểm di tích, nghiệp vụ du lịch cho các điểm, các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn huyện để nâng cao trình độ nhận thức và ứng xử chuyên nghiệp trong du lịch nhằm giới thiệu đến du khách những tiềm năng, thế mạnh của du lịch huyện nhà một cách cụ thể, chính xác và có sức hấp dẫn cao. Mặc khác, Ba Tri cần tập trung xúc tiến mời gọi, thu hút các dự án đầu tư về du lịch với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư để đưa ngành du lịch của huyện ngày càng phát triển./.

Nguồn: bentre.gov.vn

Cùng chuyên mục