Tin tức - Sự kiện

Liên hoan hát ru và hát dân ca tỉnh Bình Định lần thứ II: Ấn tượng và đầy sức sống

Cập nhật: 23/10/2008 14:10:15
Số lần đọc: 1712
Liên hoan (LH) Hát Ru và Hát Dân ca tỉnh Bình Định lần thứ II diễn ra trong hai ngày 16 và 17/10 với sự tham dự của 13 đơn vị. 80 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công đã biểu diễn 47 tiết mục phong phú về nội dung và thể loại. Có thể nói, LH lần này là một sự trở về với nguồn cội, với những giá trị nghệ thuật đích thực của hát ru và hát dân ca.

* Sức sống của hát ru

Trước hết, xin được đề cập đến hát ru, một loại hình nghệ thuật tưởng chừng đang “mất dần” trong xã hội hiện đại. Vậy nhưng, sức sống âm ỉ của thể loại này ngay trong mạch nguồn sinh thành là dân gian, lại được thể hiện khá rõ qua LH lần này. Những làn điệu ru đặc sắc của người Kinh, Chăm H’roi, Bana, H’re đã được các nghệ nhân như Nguyễn Thị Thoại (Phù Mỹ), Nguyễn Thị Hào (Hoài Ân), H’Rớt (Vĩnh Thạnh)… thể hiện một cách ngọt ngào, với đúng chất dân gian nhất. Đặc biệt, nghệ nhân Nguyễn Thị Hào đã biểu diễn thật hay trường ca hát ru mang chủ đề “Mẹ dạy con”, vốn tưởng chỉ có các nghệ nhân xưa mới biết. 

Mà đâu chỉ có các nghệ nhân cao tuổi hát ru, ngay lớp diễn viên trẻ, trong đó, thậm chí có cả những diễn viên nam, cũng thể hiện những màn ru đúng điệu, đúng cách. Nổi lên là Hoài Ân, đơn vị có thời gian hát ru dài nhất. Anh Trần Tây Nguyên, một diễn viên của Hoài Ân, tiết lộ: Từ trước đến nay, anh chưa hề biết hát ru. Vì vậy, để tham gia LH, anh phải tập luyện nhiều. “Tôi nhận thấy rằng các điệu ru cổ rất hay. Ru con bằng cách này sẽ làm trẻ dễ ngủ hơn. Ban đầu, tôi tham gia hát ru chỉ vì muốn thử xem mình hát ru ra sao. Cho đến nay, dù hát chưa thật hay, nhưng tôi đã dần “cảm” được các điệu ru rồi. Khi trở về, tôi sẽ tiếp tục học hát ru và sẽ khuyến khích các bạn trẻ làm theo mình, để gìn giữ một vốn văn hóa của địa phương” - anh Nguyên nói.

* Phong phú các làn điệu dân ca

Các làn điệu dân ca tham gia LH lần này rất phong phú. Hầu hết các đơn vị thể hiện một lúc nhiều thể loại như hò, lý, vè, hát lía, hát kết… So với LH trước, các đơn vị tham gia LH đã ra công sưu tầm và thể hiện được nhiều hơn các làn điệu dân ca cổ; trong đó có một vài làn điệu những tưởng đã bị mai một hẳn như “Lý cây khế”, “Lý con mèo”… Hình ảnh các chàng trai, cô gái tay thoăn thoắt tát nước, bó rơm hay giã gạo, miệng hò đối đáp qua lại, đã được các đơn vị minh họa rất thực trên sân khấu. Cùng với sự hỗ trợ của đạo cụ, âm thanh, ánh sáng, các đơn vị đã phác thảo ra những bức tranh thật đẹp và đầy sức sống về đời sống làng quê và miền sơn cước Bình Định.

“Hoành tráng” nhất có lẽ là đơn vị Vĩnh Thạnh, khi họ mang cả đàn tơ-rưng, cồng, chiêng và một số loại nhạc cụ Bana khác lên sân khấu biểu diễn. Hai bài dân ca Bana mà đoàn Vĩnh Thạnh biểu diễn: “Tiếng gọi từ nhà rông” và “Quê hương tươi đẹp”, đều do ông Y Băng sáng tác dựa trên làn điệu ca cổ rất đặc trưng của người Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh. Ông Y Băng cho biết: “Thông qua hai bài dân ca này, tôi muốn thay mặt đồng bào Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh gởi lời chào mừng đến LH; đồng thời, muốn giới thiệu về sự đẹp tươi của núi rừng, quê hương Bình Định”.

Gây ấn tượng nhất là tiết mục đơn ca của nghệ nhân Lê Phó (An Lão). Hình ảnh một cụ ông 86 tuổi, tóc bạc phơ, tay cầm chiếc đờn cò, giọng ca sang sảng, khiến người xem thật cảm động. Ông Trần Văn Tới, Trưởng Đoàn Ca Kịch Bài chòi Bình Định, cho biết: “Ông Phó hát rất đúng kiểu dân ca Bình Định cổ. Cách hát của ông nhấn nhá, luyến láy, thể hiện cảm xúc trong từng câu, từng chữ. Đây đúng là dạng “bài chòi trải chiếu”, khi mà trong cùng một bài hát, ông Phó thể hiện hai vai nam và nữ đối đáp nhau”.

* Thành công ngoài mong đợi

 

Với một chương trình biểu diễn hoàn hảo, đội ngũ diễn viên trẻ đẹp, ca hay, diễn tốt, đơn vị Phù Mỹ xứng đáng nhận giải A của LH. Đồng giải A còn có Chi hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng tỉnh. LH còn trao 7 giải B và 4 giải C cho các đơn vị.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, hầu hết các đơn vị tham gia LH đều có sự đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng. Các chương trình dàn dựng hợp lý, chủ đề rõ ràng, nội dung đa dạng, phong phú, lôi cuốn người xem. Tuy nhiên, LH vẫn còn một số điểm hạn chế nhất định, như các diễn viên trẻ hát ru chưa thật truyền cảm. Một số đơn vị sử dụng các nhạc cụ chưa hợp lý, nên không đạt hiệu quả cao. Một vài chương trình lắp ghép còn thiếu sự mạch lạc… Dù vậy, chung quy lại, LH đã đạt được thành công ngoài mong đợi.

Nguồn: Báo Bình Định

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT