Hoạt động của ngành

Quần thể di sản Cố đô Hoa Lư - Tràng An trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam

Cập nhật: 09/01/2015 09:51:10
Số lần đọc: 2021
Quần thể di sản Cố đô Hoa Lư - Tràng An nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Ninh Bình, trải rộng trên diện tích gần 8.000 ha, thuộc địa bàn các huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình. Đây là nơi hội tụ nhiều giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, cảnh quan và sinh thái.

Giá trị nổi bật của quần thể di sản là giá trị về lịch sử - văn hóa liên quan đến kinh đô đầu tiên của nền văn minh Đại Việt, tồn tại 42 năm qua các triều đại nhà Đinh (968-979), triều đại nhà Lê (980-1010) và đầu nhà Lý, tạo tiền đề cho sự phục hưng gắn với sự ra đời của một quốc gia và cũng là một nền văn hiến Đại Việt.

Hàng chục di tích lịch sử ở đây mà tiêu biểu là đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng; đền thờ Vua Lê Đại Hành; lăng Vua Đinh, Vua Lê; chùa Nhất Trụ; đền thờ công chúa Phất Kim; chùa Bích Động; chùa Địch Lộng… cùng những phát lộ khảo cổ về cung điện và các bức tường thành bảo vệ kinh đô Hoa Lư cách đây hơn 1.000 năm không chỉ có giá trị minh chứng cho một thời kỳ lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc mà còn là những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng có giá trị đặc biệt về văn hóa.

Những giá trị đặc biệt này của quần thể di sản Cố đô Hoa Lư - Tràng An còn được nâng lên bởi các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với các truyền thuyết và hoạt động lễ hội như lễ hội điện Thái Vi, hội đền Vua Đinh - Lê... cùng các giá trị sinh hoạt văn hóa làng quê truyền thống vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó có các làng nghề, tiêu biểu như làng nghề thêu ren Văn Lâm, làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân (Hoa Lư); làng nghề làm nón Me (Gia Viễn).

Trong không gian của quần thể di sản hiện còn bảo tồn được nhiều giá trị địa chất minh chứng cho sự biến động của vỏ trái đất cách đây trên 200 triệu năm cùng dấu ấn của thời kỳ biển tiến, biến thoái tạo nên những mức xâm thực cơ sở và hệ thống hàng chục hang động liên thông nhau, trong số đó có nhiều hang động đẹp nổi tiếng như hang chùa Bích Động với danh hiệu “Nam thiên đệ nhị động”, hang Địch Lộng, động An Tiêm, động Thiên Tôn, hang Vòm…  

Sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố địa hình của hệ thống núi đá vôi với hệ thống sông suối, lớp phủ thực vật đã tạo nên ở nơi đây những giá trị cảnh quan đặc biệt, một “Hạ Long trên cạn”, có sức hấp dẫn lớn về du lịch. Bên cạnh những giá trị tiêu biểu trên, Hoa Lư - Tràng An còn có giá trị đặc biệt về sinh thái với nhiều loài sinh vật, trong đó có những loài quý hiếm ghi trong Sách đỏ mà tiêu biểu là loài Voọc quần đùi trắng.

Như vậy, có thể thấy quần thể di sản Cố đô Hoa Lư - Tràng An là nơi hội tụ nhiều giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, cảnh quan và sinh thái mà không phải nơi nào cũng có được. Đây là tiền đề rất quan trọng để Hoa Lư - Tràng An phát triển, trở thành một điểm đến du lịch tầm cỡ Quốc gia, khu vực và quốc tế, một điểm đến và về cội nguồn của người dân Việt Nam; một điểm đến không thể thiếu trong hành trình của khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam.

Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định Hoa Lư - Tam Cốc - Bích Động, một bộ phận quan trọng của di sản Cố đô Hoa Lư - Tràng An, là điểm đến quan trọng trong hệ thống các khu du lịch Quốc gia. Điều này là minh chứng khẳng định về những giá trị đặc biệt ở tầm Quốc gia của quần thể Cố đô Hoa Lư - Tràng An từ góc độ du lịch.

Phát triển du lịch Cố đô Hoa Lư - Tràng An có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với du lịch Ninh Bình mà còn đối với hoạt động phát triển du lịch của Trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận - một trong bảy khu vực trọng điểm du lịch của cả nước, đã được xác định trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam. Đặc biệt du lịch Hoa Lư - Tràng An có mối liên hệ mật thiết với du lịch Thủ đô thông qua hoạt động phát triển du lịch “trục” lịch sử Cố đô Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội. Điều này còn có ý nghĩa hơn khi phát triển du lịch văn hóa - lịch sử được xác định là định hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh khi du lịch Việt Nam hội nhập tích cực với du lịch khu vực và quốc tế.

Với các giá trị tài nguyên du lịch đã được khẳng định của mình, Cố đô Hoa Lư - Tràng An, nhìn nhận trong mối quan hệ phát triển với khu tâm linh - thắng cảnh chùa Bái Đính và khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, có thể phát triển được những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn tầm cỡ Quốc gia và khu vực.

Những sản phẩm du lịch này có thể bao gồm: Tham quan công viên văn hóa lịch sử, nơi du khách có thể được tìm hiểu về những giá trị lịch sử và cảm nhận những giá trị văn hóa của một thời kỳ “vàng son” trong lịch sử của dân tộc Việt Nam; tham quan công viên địa chất để tìm hiểu lịch sử phát triển khu vực, thưởng ngoạn những giá trị cảnh quan của “Hạ Long trên cạn”, khám phá những bí hiểm và vẻ đẹp của hệ thống hang động; tham quan cảnh quan, tìm hiểu giá trị của các hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi với những cơ hội quan sát các loài sinh vật quý hiếm; tham gia các hoạt động lễ hội, tâm linh tại khu chùa Bái Đính, chùa Địch Lộng, chùa Bích Động, điện Thái Vi, đền Vua Đinh - Lê…; tham quan và trải nghiệm cuộc sống đời thường của người dân ở vùng làng quê điển hình vùng đồng bằng sông Hồng và tham quan các làng nghề truyền thống…

Việc phát triển những sản phẩm du lịch đặc sắc này sẽ góp phần thực hiện mục tiêu đa dạng hóa và nâng cao tính hấp dẫn, cạnh tranh của du lịch Việt Nam, tương xứng với vai trò của du lịch Hoa Lư - Tràng An đã được xác định trong chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam. Quan trọng hơn, những sản phẩm du lịch này sẽ đáp ứng được nhu cầu của du khách quanh năm, góp phần hạn chế “tính mùa” - một trong những hạn chế điển hình trong hoạt động du lịch ở khu vực phía Bắc; hấp dẫn nhiều hơn khách du lịch đến với Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng và qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo được thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng, đồng thời phát huy có hiệu quả những giá trị văn hóa, lịch sử mà các thế hệ ông cha đã gây dựng nên và truyền lại cho thế hệ con cháu ngày nay.

Để Cố đô Hoa Lư - Tràng An tương xứng với vị trí và những tiềm năng du lịch, đặc biệt cần tiến hành quy hoạch du lịch điểm đến du lịch Hoa Lư - Tràng An một cách khoa học, trên quan điểm bền vững trong mối quan hệ phát triển du lịch chung của Ninh Bình, nhất là với khu vực tâm linh cảnh quan chùa Bái Đính và khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, cũng như vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận. Ngoài những nội dung nghiên cứu quy hoạch lãnh thổ, cần hết sức lưu ý đến những nội dung quy hoạch có tính chuyên ngành, đặc biệt là định hướng phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đặc thù, có chất lượng cao.

Trong quá trình xác định hệ thống sản phẩm du lịch của Hoa Lư - Tràng An cần tránh trùng lặp với những sản phẩm du lịch ở những vùng phụ cận trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói riêng và ở đồng bằng sông Hồng nói chung, vì điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng thu hút khách và qua đó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, phát triển du lịch bền vững ở khu vực này. Trong quá trình thực hiện quy hoạch, cần hết sức lưu ý về mối quan hệ đối với hoạt động phát triển của các ngành kinh tế cũng như sự phát triển đô thị. Cần phát hiện những tác động hiện tại và tiềm năng của các hoạt động trên, đặc biệt là hoạt động khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng và phát triển đô thị đối với hoạt động du lịch, để từ đó có những giải pháp, kiến nghị phù hợp, hạn chế những tác động này, đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững ở Hoa Lư - Tràng An.

Là một khu du lịch phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa - lịch sử, cảnh quan - sinh thái, việc đảm bảo môi trường cho phát triển bền vững cần được đặt ra ngay từ đầu bởi những giá trị du lịch này rất nhạy cảm, dễ biến đổi dưới tác động của hoạt động du lịch và của hoạt động kinh tế - xã hội.

Để đảm bảo phát triển du lịch bền vững ở Hoa Lư - Tràng An, một yếu tố quan trọng cần được đưa vào nội dung quy hoạch là xây dựng đề xuất chính sách và các giải pháp cụ thể để phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử, cảnh quan - sinh thái; tạo điều kiện cho cộng đồng được tham gia tích cực vào hoạt động du lịch cũng như đào tạo để có đội ngũ lao động du lịch đủ năng lực, đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch Hoa Lư - Tràng An - điểm đến du lịch văn hóa lịch sử và cảnh quan sinh thái tầm cỡ Quốc gia và khu vực cần được đặt ra./.

Nguồn: baoninhbinh.org.vn

Cùng chuyên mục