Hành trang lữ khách

Đa dạng món ngon vật lạ ở Sa Pa

Cập nhật: 22/09/2008 15:09:26
Số lần đọc: 2031
Chợ phiên Sapa không đơn thuần là nơi trao đổi buôn bán hàng hóa, mà còn là nơi để mọi người gặp gỡ, thanh niên nam nữ hẹn hò, giao duyên. Ở những phiên chợ này, thể hiện được một phần đời sống văn hóa đặc trưng của bà con vùng cao. Đến Sa Pa, khách có thể tham gia những phiên chợ tại thị trấn, chợ phiên Bắc Hà, chợ Cốc Ly tại huyện Bắc Hà để tham quan và mua đăc sản.

Tại những phiên chợ, trước hết du khách sẽ được ngắm những sắc màu rực rỡ từ y phục của những thiếu nữ các dân tộc Mông, Nùng hay Dao đen, Dao đỏ. Cách mua bán của người dân nơi đây vẫn còn nhiều nét thuần phác. Chợ phiên có nhiều sản vật lạ mắt như rượu của người Mông bản Phố. Tuy nhiên, ấn tượng nhất vẫn là những sản phẩm thổ cẩm được dệt từ đôi tay của những người phụ nữ các dân tộc theo phương pháp thủ công.

 

Ngày nay, thổ cẩm Sa Pa đã được cải tiến nhiều về kiểu dáng, chất lượng và được xuất khẩu sang cả các thị trường ngoài nước như Mỹ, Pháp, Đan Mạch...

 

Ngoài những bức tranh to tả phong cảnh núi non, đất người và con người vùng cao, du khách còn có thể mua ba lô, túi khoác, khăn, túi xách, ví, áo, mũ, vòng đeo tay... bằng thổ cẩm.

 

Thổ cẩm Sa Pa cuốn hút du khách bởi các họa tiết cây cỏ hoa lá, chim muông sắc sảo, tinh tế. Những đường nét hoa văn thể hiện trên tấm thổ cẩm rất độc đáo, đặc trưng nét văn hóa các dân tộc ở Sa Pa. Du khách cũng có thể mua sản phẩm thổ cẩm Sa Pa trong hành trình thăm các buôn làng. Nếu muốn tìm những sản phẩm đa dạng hơn, du khách hãy đến các cửa hàng bán đồ lưu niệm ở thị trấn Sa Pa.

 

Măng chua của bà con vùng cao Sa Pa cũng là một trong những sản phẩm được nhiều người vùng xuôi ưa chuộng. Măng chua được làm khá tỉ mỉ: người ta chọn những đọt măng mới nhú được 25 - 30cm, mang về rửa sạch rồi xắt lát mỏng, không cho dính nước. Ủ măng vào chum và đậy kín trong khoảng 20 đến 30 ngày. Khi thành phẩm, măng có vị chua thanh, dùng để nấu với cá hay thịt, ăn hoài không ngán.

 

Món thịt sấy “khăng gai” đã trở thành món ngon rất nổi tiếng ở vùng cao này. Khi xẻ thịt các loại gia súc lớn như trâu, bò, ngựa, heo... người ta thường dành phần thịt ngon treo lên gác bếp sấy để ăn dần. Mỗi miếng thịt sấy “khăng gai” nặng khoảng 2kg, có thể để lâu hàng năm. Khi muốn ăn, người ta cọ rửa sạch bồ hóng và bụi rồi xắt miếng vừa ăn, đem xào với các loại rau củ hay măng chua... Thịt “khăng gai” nướng vùi trong tro bếp là một trong những món “nhắm” lý tưởng của cánh mày râu.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục