Hành trang lữ khách

Kỳ vĩ một vùng đất Tây Nguyên

Cập nhật: 16/09/2008 14:09:43
Số lần đọc: 2265
Tây Nguyên kỳ vĩ vì cái gì? Trước hết là những ngọn núi hùng vĩ và những con sông cuồn cuộn. Và chúng sinh ra những cái thác hào hùng, ầm ầm nước đổ. Cách TP.Hồ Chí Minh hơn 300km, Buôn Ma Thuột hiện là điểm đến của du khách nước ngoài muốn tìm về thiên nhiên và của người trong nước tò mò về một vùng đất kỳ vĩ.

Những con thác ở Buôn Ma Thuột


Dray, trong tiếng Ê Đê, nghĩa là thác. Một loạt thác từng gắn với các tour du lịch, nay nhiều con thác đẹp như tranh thủy mặc đang có nguy cơ... biến mất bởi một loạt công trình thủy điện. Làm ra điện cho Tây Nguyên, chế ngự sự hung dữ của các con sông... nên đành hy sinh những nét tự nhiên, đẹp vô thường. Và đó cũng là sự thúc giục những người yêu thác tranh thủ đi thăm, ghi lại hình ảnh những cái thác thời hoang dã.


Hai cái thác được coi là điểm đến hàng đầu hiện nay: thác Gia Long và thác Draynur. Chúng nằm gần nhau và cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 24km về phía Tây Nam. Từ Buôn Ma Thuột đi đường 14 lùi về phía Sài Gòn, cách cầu 14 chỉ vài trăm mét là đường rẽ vào các thác này. Hầu như chưa có biển báo đáng chú ý cho những điểm đến ấy, khách đến chủ yếu là những người biết đường hoặc biết có thác để hỏi đường.

 

Con đường chục cây số dẫn vào từ quốc lộ 14 được chắn bởi các công trình của thủy điện Buôn Kuốp đang được đào bới, đắp đất đá, bụi mù. Vượt qua khúc ấy, Tây Nguyên với những con thác vẫn hoang sơ, xanh mát.


Ở nơi “đón thác” Gia Long, một căn nhà sàn và một chòi ngắm đơn sơ được dựng trên những mỏm đá rêu phong, dưới những tàn cây cổ. Thác rì rầm, choai choải. Mấy cái cột đá đo đỏ đã xiêu vẹo với tháng năm. Đó là những cái trụ, tương truyền vua Gia Long cho xây để làm cầu treo qua thác, nhưng rồi vẫn còn vương vấn dở dang.


Draynur là con thác hùng vĩ nhất Tây Nguyên. Ngang trăm thước rộng, thân chục thước cao, nước ầm ầm đổ, sương tỏa ra cả một khoảng trời mênh mông, hạt nặng như mưa phùn. Những tảng đá to tổ chảng không biết từ thời nào ngã xuống lòng thác, vẫn trơ trơ mỗi ngày hứng nước trời.


Từ miệng thác nhìn xuống, chúng chỉ nhỏ như những hòn than rơi vãi, nhưng nhìn kỹ trên lưng nó, mới thấy lổm nhổm người đi câu, thoăn thoắt giật những chú cá hung dữ không kém. Ở nơi thác gào nước xô này, những con cá vẫn không bị bầm dập.


Còn rất ít du khách mò đến đây, có thể do thông tin chưa đủ. Những người đến được, sướng vì được thưởng thức cảnh hoang sơ của núi rừng, nhưng cũng buồn tình cho ngành du lịch miền này.

Vẫn còn con sông Krông Na (sông vợ) gặp con sông Krông Nô (sông chồng) tạo thành sông Sêrêpôk, ngược về Biển Hồ ở Campuchia rồi trở lại nước Việt trên dòng Cửu Long.


Ngã ba sông ấy ở đâu, làm sao tới được và chụp hình được ngã ba sông ấy là câu hỏi đầy tính thách thức với bất cứ ai chỉ một lần đến đây.


“Rất khó, nhưng nếu quyết tâm vẫn có thể tới được” - Nguyễn Hữu Tam, một hướng dẫn viên “xịn” quả quyết sau một lúc trầm ngâm suy nghĩ. Tam cho biết: chỉ có thể đi xe máy được đến chân núi, để xe lại và đi bộ trèo núi khoảng 8km. Rồi anh ta thanh thản đánh đàn, hẹn ngày “chiến đấu”.


Sinh ra và gắn bó với miền đất này, học nhạc rồi về... mở quán ăn. Một lần có một thực khách Tây ba lô tới ăn, thấy Tam nói được tiếng Anh, bắt chuyện rồi... nhờ dẫn đường. Không ngờ, ông khách Tây bụi này viết lên Lonely Planet, loại sách hướng dẫn du lịch toàn cầu, đưa cả tên tuổi, điện thoại của Tam. Thế là Tam bỗng dưng nổi tiếng, bị khách gọi ơi ới, từ hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” chuyển sang chuyên nghiệp luôn.


Cưỡi voi thăm rừng


Người Buôn Ma Thuột thân thiện và tận tình. Họ có những số phận khác nhau nhưng gắn với nhau trên mảnh đất này. Một người mới quen trên đường gió bụi: ông Bích, đi bộ đội rồi ở lại chiến trường xưa, “canh viên” thắng nay chuyển sang “canh trì”. Nhà của ông, ngoắt ngoéo tuốt trong rẫy sâu, phải đi qua những đồn điền cà phê và rẫy mì rộng lớn, nay có cả hồ cá lớn, làm hồ câu cá giải trí cho dân xứ núi.


Chơi đồ gỗ, chơi đá cảnh đến sành sỏi, nhưng nghe chuyện “đi bụi Tây Nguyên” ông Bích cùng nhóm bạn “nổi máu” làm “du lịch” hướng dẫn các tour đi thác và rừng, nơi ông gắn bó gần hết cuộc đời...


Buôn Đôn, khu du lịch nổi tiếng cách thành phố hơn ba chục cây, cũng có thác của dòng Sêrêpôk, lại có cả các màn cưỡi voi qua sông và vào rừng nguyên sinh. Du khách chỉ nghe mấy tiếng “cưỡi voi” đã tròn cả mắt, vì không nghĩ có lúc được thưởng thức thú vui ấy. Ngủ nhà sàn, đốt lửa trại uống rượu cần giữa những màn múa của các cô gái trong các trang phục dân tộc cũng đủ làm say mê lòng người phương xa.


Buôn Đôn, tiếng Lào có nghĩa là Làng Đảo, xưa để chỉ cái buôn được lập ra trên những cù lao rậm rịt cây rừng nhiệt đới. Những người đầu tiên ở đây làm nghề săn voi. Ở cuối Buôn Đôn có ngôi nhà sàn gỗ đơn giản, được cho đã hơn trăm tuổi. Bà chủ già phúc hậu lặng lẽ ngồi bán vỏ cây rừng làm thuốc. Bà kể về những đồ nghề săn voi treo trên tường khi tổ tiên xa xưa của bà từ Lào sang, chuyên săn voi, đốn gỗ, rồi lập ấp ở đó.


Cưỡi voi thăm rừng khộp, người ta tò mò xem cây Kơ-nia nguyên thủy như thế nào mà vào thơ ca ngọt thế. Trong cuốn Lời khấn muộn (NXB Hội nhà văn, 2001) của nhà báo, nhà văn Đỗ Quang Hoàn, một chuyên gia rất rành về Tây Nguyên, cây Kơ-nia được mô tả thế này: “Từ xa cũng rất dễ nhận ra, bởi thân nó có màu mốc trắng, tán lá vừa dày vừa tròn. Nó có sức chịu nắng hạn lạ kỳ. Cuối mùa khô, khi mọi cây rừng trụi hết lá thì Kơ-nia vẫn xanh ngăn ngắt. Đồng bào ở đây gọi cây Kơ-nia là cây cầy. Trẻ con thường nhặt quả cầy đập lấy nhân để ăn”.


Làng của cha thằng Thuột


Sách cho trẻ con ngày xưa vẽ tranh về xứ Thượng giống như một quả đồi trên đó có các ông quản tượng đóng khố cưỡi voi đi lại thật thanh bình. Bây giờ là thành phố với các đại lộ và nhà cao tầng được thiết kế theo mô típ dân tộc. Buôn Ma Thuột trong đời thường vẫn bị gọi chệch tên, nào là Buôn Mê Thuột, nào là Ban Mê Thuột.


Gọi đúng phải là Buôn Ma Thuột. Buôn là buôn làng, Thuột là tên một người. Ma là từ chữ Ama, có nghĩa là cha. Tục lệ người Ê Đê theo mẫu hệ không cho phép gọi người đàn ông bằng chính tên của anh ta, mà phải gọi tránh bằng tên con của anh ta. Thế nên, vị tù trưởng nổi tiếng thời xưa được lấy tên đặt cho cả thành phố, thật ra không biết ông tên là gì, chỉ biết đứa con ông ấy tên là Thuột. Buôn Ma Thuột nghĩa là cái làng của cha thằng Thuột.


Hơn trăm năm trước, tù trưởng Ama Thuột lãnh đạo bộ tộc nổi lên khởi nghĩa chống thực dân Pháp, giữ buôn làng. Mộ của ông nghe nói vẫn còn.


Buôn Ma Thuột cũng có năm cửa ô, thông thường, đi đường bộ từ Sài Gòn lên qua đường 14 hay từ Đà Lạt lên qua đường 27 rồi quẹo vào đường 20, với vài đoạn đi trong sương mù. Thời Pháp, đi qua 370km này có khi phải mất ba ngày, bây giờ đi xe máy ton ton cũng chỉ hết 7-8 tiếng. Đường nhựa rộng rãi thay cho những con đường đất đá chen cỏ dại, cây rừng và thú dữ. Những buôn làng tăm tối đã biến thành thành phố khang trang.


Chỉ ngại về sự biến mất của các con thác hùng vĩ, vì mỗi lần nghĩ đến Buôn Ma Thuột máu trong người vẫn cứ rần lên háo hức về sức sống của các con thác.

Nguồn: Daktra.com.vn

Cùng chuyên mục