Non nước Việt Nam

Nghề thủ công truyền thống Thanh Hóa xưa và nay

Cập nhật: 19/09/2008 10:09:03
Số lần đọc: 3279
Nghề thủ công truyền thống xứ Thanh đã có bề dày thời gian, góp phần làm nên bộ mặt kinh tế quê hương suốt nhiều ngàn năm lịch sử.

Từ buổi sơ khai, người xứ Thanh đã tận dụng tiềm năng dồi dào của nông, thổ, lâm, thủy, hải sản - nguồn nguyên liệu phong phú, vô tận để tạo nên các sản phẩm thủ công phục vụ cho nhu cầu cuộc sống. Trên cơ sở đó, nghề thủ công truyền thống quê Thanh đã hình thành, tồn tại và phát triển, được phân bố trên khắp các vùng, miền khá đa dạng.

 

Tại vùng biển, đồng bằng, nghề thủ công gắn liền với những tên gọi làng nghề quen thuộc, nổi tiếng như: đục đá làng Nhồi (Đông Sơn), gốm Tam Thọ (Đông Sơn) - Lò Chum - Cốc Hạ (TP Thanh Hóa); đúc đồng Trà Đông (Thiệu Hóa); dệt chiếu Nga Sơn; nước mắm Du Xuyên, Ba Làng (Tĩnh Gia),v.v... Tại vùng núi rừng xứ Thanh, nghề thủ công truyền thống gắn liền với các dân tộc như: nghề dệt sợi gai của người Thổ, dệt vải lanh của người Mông, dệt thổ cẩm của người Mường, Thái; làm cao chàm và nhuộm vải của người Dao,v.v...

 

Như vậy là trong sản xuất thủ công, yếu tố nguyên liệu luôn được đặt lên hàng đầu nên mỗi nghề thủ công đều gắn liền với vùng đất sinh ra nó, để dần dần các làng nghề thủ công truyền thống được hình thành. Song, thợ thủ công tự tổ chức và tự tạo nên những thao tác kỹ thuật thích hợp. Những người làm nghề đều theo kinh nghiệm để truyền nghề trực tiếp - bí truyền trong dòng tộc hết đời này sang đời khác... Vì thế, cùng một nhóm nghề thủ công, nhưng chỉ có một số ít làng nghề nổi tiếng. Ví như, nhóm nghề dệt là một nghề thủ công sớm phát triển khắp toàn tỉnh, riêng dệt lụa cũng chỉ có một số làng có sản phẩm lụa bền, đẹp nhiều nơi biết tiếng như: Phong Lai (Thọ Xuân), Mỹ Đô (Thiệu Hóa), Bút Sơn (Hoằng Hóa),v.v... Trong khi đó, tại vùng nguyên liệu cho nghề dệt - huyện Quảng Hóa (nay là Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy) lại không có làng nghề dệt lụa tiêu biểu. Do đó, tuy sự  phân bố của nghề thủ công truyền thống Thanh Hóa khắp các vùng, miền hết sức đa dạng, nhiều nghề được ra đời sớm ở ngay vùng nguyên liệu (đan lát, dệt...), nhưng chưa hẳn đã phát triển, hoặc thất truyền để chỉ trở thành nơi cung cấp nguyên liệu.

 

Tìm hiểu nghề và làng nghề truyền thống theo lãnh thổ, vùng miền đã cho ta một bức tranh toàn cảnh với những điểm mạnh, yếu của nghề và làng nghề từng vùng nhằm có kế hoạch phục hồi, qui hoạch hợp lý.

 

Bên cạnh đó, cần phân nhóm nghề để tìm hiểu như: nhóm nghề dệt, đan lát, gốm; các nghề thủ công khác: mộc, rèn, đúc, đục đá, chế biến hải sản (mắm, muối),v.v... Qua đó sẽ cho ta biết được nguyên nhân của sự phát triển, hay tàn lụi của một nhóm nghề, hay một nghề cụ thể. Hoặc điều gì khiến trong một nhóm nghề đã có sự phân công chuyên môn hóa như nhóm nghề dệt đã nói trên. Nghề gốm ở Lò Chum và Cốc Hạ chẳng hạn, lúc đầu đều sản xuất các loại gốm, về sau Lò Chum chuyên sản xuất chum, vại;  Cốc Hạ chuyên sản xuất tiểu sành. Qua khảo sát cũng sẽ thấy rõ nghề thủ công truyền thống Thanh Hóa vẫn luôn kết hợp chặt chẽ với nông nghiệp, là một ngành kinh tế phụ, bổ trợ cho kinh tế nông nghiệp.

 

Sự đa dạng của nghề thủ công truyền thống Thanh Hóa đã tạo nên nhiều sản phẩm thủ công tự cung, tự cấp cho quê hương trải hàng ngàn năm lịch sử. Hơn nữa, những thành tựu và tiến bộ kỹ thuật của nghề này nhiều khi là cơ sở thúc đẩy những tiến bộ của nghề kia, thành phẩm của nghề này là nguyên vật liệu để sản xuất cho một nghề khác. Vì vậy, nghề thủ công truyền thống ở một khía cạnh chỉ là nghề phụ, nhưng lại đạt trình độ điêu luyện đến mức trở thành nghệ thuật, người thợ trở thành nghệ nhân đã sáng tạo nên những tác phẩm mang tính thẩm mỹ cao, đóng góp vào nét văn hóa độc đáo của quê hương, dân tộc. Những sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống xứ Thanh với độ bền, đẹp, tinh xảo mang tính thẩm mỹ cao đã vượt ra phạm vi ngoài tỉnh được nhiều người ưa chuộng như: lụa Hồng Đô (Thiệu Hóa), gốm Lò Chum, các sản phẩm đục đá (làng Nhồi),v.v... Đặc biệt, chiếu Nga Sơn được sánh cùng với gạch Bát Tràng, tơ Nam Định, lụa Hà Đông là những mặt hàng nổi tiếng cả nước đã đi vào ca dao quen thuộc của người dân đất Việt:

 

     Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng

   Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông.

 

Nghề đục đá làng Nhồi với những tác phẩm mỹ thuật điêu khắc đá vô giá hiện còn được lưu giữ tại các đình chùa, miếu mạo và các công trình kiến trúc nhà cửa, cầu cống, lăng tẩm, thành quách,v.v... khắp xứ Thanh. Đó là những tác phẩm nghệ thuật tạo hình được người nghệ nhân làng Nhồi chạm khắc tinh xảo như các bia đá, tượng người; các loại giống đá: voi, ngựa, nghê, hổ, sư tử,v.v... Các bàn thờ, long ngai, khánh đá... Các hệ thống cột kèo ở đền thờ mẫu (làng Nhồi), đền thờ Hoàng Bùi Hoàn (Quảng Trạch, Quảng Xương), kiến trúc đá tại lăng mộ Lam Kinh (Thọ Xuân) đến lăng mộ Đăng Quận công (Đông Sơn) đều do thợ đục chạm khắc đá làng Nhồi góp bàn tay tạo dựng...

 

Trong lịch sử, nghề thủ công truyền thống xứ Thanh đã đóng góp đắc lực vào nền kinh tế và làm giàu bản sắc văn hóa quê hương.

 

Từ sau hòa bình lập lại (1954), nghề thủ công truyền thống ở Thanh Hóa đã được Đảng, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Thời gian này, tại các địa phương trong tỉnh, đồng loạt các hợp tác xã tiểu-thủ công nghiệp (TTCN) được thành lập phát triển nhiều ngành nghề phong phú, đa dạng  như: gốm sứ (Lò Chum - thị xã Thanh Hóa), chiếu cói (Nga Sơn), đan lát ở Hoằng Hóa, Quảng Xương... Thời kỳ bao cấp, ngành nghề TTCN phát triển khá mạnh, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế tỉnh nhà. Trong đó, phát triển mạnh là các nghề sản xuất gốm sứ, chiếu cói, đan lát... Các hợp tác xã (HTX), xí nghiệp sản xuất gốm sứ ở Lò Chum do cải tiến kỹ thuật lò nung đã cho sản phẩm gốm tăng số lượng, chất lượng còn bền đẹp hơn xưa. Từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX trở về trước đó là thời kỳ hoàng kim của gốm Thanh Hóa với nhiều HTX nổi tiếng đóng tại khu vực Lò Chum như HTX Quyết Thắng, Tân Hương, Xí nghiệp Gốm 48... Các nghệ nhân làm gốm nơi đây đã sáng tạo đủ các sắc màu men đen, tím, lục, lam... dưới con mắt ngưỡng mộ của nhiều cơ sở sản xuất gốm trong Nam, ngoài Bắc. Cái quyết định cho chất lượng gốm Thanh Hóa, ngoài yếu tố kỹ thuật khéo léo của người thợ - người nghệ nhân thì nguyên liệu đất để sản xuất gốm ở Lò Chum đặc biệt tốt, không ở nơi nào sánh được.

 

Cùng với gốm sứ Lò Chum, nghề chiếu cói Nga Sơn vào thời kỳ thành lập HTX TTCN, các xã Nga Liên, Nga Thanh, Nga Thuỷ, Nga Bạch, Nga Tân, Nga Tiến, Nga Thái... đều có xưởng chiếu tập thể với nhiều thợ dệt tài hoa. Đây là thời kỳ phát triển mạnh của vùng chiếu cói Nga Sơn với nhiều sản phẩm: chiếu đậu, chiếu hoa, chiếu lõi, xe đan thảm cói, hàng mỹ nghệ đan lát cói... Các sản phẩm đó không chỉ có mặt khắp các tỉnh, thành trong nước mà đã vượt đại dương sang các nước Đông Âu, Đông Á, Bắc Á... Bên cạnh đó, các nghề với những làng nghề nổi tiếng như mộc Đạt Tài (Hoằng Hoá), rèn Tất Tác (Tiến Lộc, Hậu Lộc), đúc đồng Trà Đông (Thiệu Trung, Thiệu Hoá), dệt Thiệu Đô (Thiệu Hóa), Hoằng Lộc, Phú Khê (Hoằng Hóa), đan lát Quảng Phong (Quảng Xương), Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa)... đã trở thành những HTX TTCN mạnh, là địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng trong và  ngoài tỉnh. Đặc biệt, trước những năm 1990 - 1991, hàng nan xuất khẩu của Quảng Phong khá phát đạt. Với làng nghề mây tre đan Hoằng Thịnh thì từ năm 1950 đã sản xuất hàng xuất khẩu ra nước ngoài, nhiều nhất là Trung Quốc. Đến năm 1974 xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Âu, Nhật Bản, Liên Xô, Pháp. Sau những năm 1980, làng nghề mây tre đan Hoằng Thịnh càng phát triển mạnh và tăng thêm lượng hàng xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Pháp, Đài Loan, Ôxtrâylia, Trung Quốc, Italia... với hàng trăm mẫu mã khác nhau được thị trường bạn đánh giá cao.

 

Bước vào thời kỳ mở cửa hội nhập, thời kỳ đổi mới, cơ chế thị trường, xóa bỏ bao cấp nhiều làng nghề bị mai một như các nghề gốm, dệt, đúc đồng... Mặc dù những sản phẩm gốm thủ công của Thanh Hoá đạt chất lượng cao nhưng không cạnh tranh nổi với sản phẩm nơi khác. Nguyên nhân chính là dây chuyền sản xuất thủ công lạc hậu, giá thành củi đốt quá cao, mà đốt than thì không điều chỉnh được nhiệt. Do đó, các HTX, Xí nghiệp Gốm nơi đây đành phải giải thể, mặc dù không phải là không có đầu ra. Hiện nay, việc sản xuất gốm ở Lò Chum không còn nữa nhưng những nghệ nhân, những người thợ gốm vẫn mong ước có một ngày cơ sở sản xuất gốm Lò Chum được thành lập.

 

Nghề và làng nghề đúc đồng Trà Đông đứng trước sự phát triển của nền kinh tế thị trường cũng có nhiều biến động. HTX đúc đồng Trà Đông được thành lập, suốt thời bao cấp chuyên sản xuất những mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp và quốc phòng. Bởi vậy đã có tới ba phần tư gia đình trong làng sống bằng nghề này với hàng trăm lò đúc đồng, thu hút hàng ngàn lao động. Khi bước vào thời kỳ đổi mới, cơ chế thị trường, do thị hiếu của người tiêu dùng có nhiều biến đổi, trong khi đó nguồn vốn của mỗi gia đình lại hạn hẹp nên nghề đúc đồng ở Trà Đông co hẹp lại, chỉ còn một số lò sản xuất thường xuyên. Sau những năm trăn trở, chính quyền và nhân dân xã Thiệu Trung đã có những giải pháp khôi phục và phát triển lại làng nghề đúc đồng truyền thống. Hiện nay, làng nghề đúc đồng Trà Đông thu hút khoảng 300 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động. Toàn xã hiện có 24 lò đúc, mỗi lò có từ 3 đến 4 hộ cùng hợp tác sản xuất. Các nghệ nhân đã khôi phục những mặt hàng truyền thống như đúc chiêng, trống đồng, chuông, tượng, đồ thờ, con giống... Đặc biệt các nghệ nhân đã thành công trong việc đúc thử trống đồng Đông Sơn theo đúng hoa văn, kiểu dáng xưa.

 

Nghề chiếu cói Nga Sơn cũng trải nhiều biến động vào những năm đầu chuyển đổi cơ chế, nhất là lúc thị trường truyền thống ngừng trệ, cây cói mất giá... Khác với gốm Lò Chum, vùng nghề chiếu cói Nga Sơn với những người thợ tài hoa đã khéo đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng đã dệt nên những lá chiếu hoa đủ sắc màu. Thuở đó chiếu hoa Nga Sơn có mặt khắp các tỉnh và thành phố trong nước, đã cứu đồng cói, cứu nghề chiếu cói của quê hương. Đặc biệt, sau năm 1990 các cấp ủy Đảng, chính quyền Nga Sơn luôn trăn trở tìm giải pháp cứu lấy cây cói ở 8 xã vùng duyên hải. Lúc này, dù khó khăn nhưng huyện vẫn không phá cói trồng lúa  mà quyết chí đi tìm đường cứu cói. Thành công đã đến với chiếu cói Nga Sơn khi thị trường Trung Quốc đón nhận chiếu cói Việt Nam. Vào thời điểm đó có tới 18 nhà buôn Nga Sơn đưa hàng nghìn tấn cói, chiếu xuống tàu ở bến Mộng Giường và bến Sung vượt biển tới nước bạn. Nghề trồng cói, dệt chiếu Nga Sơn sôi động hơn bao giờ hết. Tại xã Nga Thủy có hộ gia đình đã  thành lập doanh nghiệp sắm được cả tàu buôn, lo việc làm cho hàng trăm người nghèo. Lúc này, Nga Sơn vẫn là trung tâm chiếu cói lớn nhất cả nước: Với 20 nghìn tấn cói, hàng triệu lá chiếu được sản xuất mỗi năm, 2.412 máy xe lõi, 600 máy xe đay, 5.500 go dệt và hàng vạn lao động sống bằng nghề chiếu cói... Đến cuối năm 2007, cây cói đã chiếm tới 80% giá trị TTCN và khoảng 30% giá trị kinh tế toàn huyện Nga Sơn. Cũng như các giai đoạn trước, cuối năm 2007 cây cói nơi đây vẫn giữ vị trí là cây trồng mũi nhọn, là nguồn sống duy nhất của người dân ngót mười xã vùng biển Nga Sơn. Ngoài ra còn là nguồn thu nhập của nhân dân các xã vùng màu, chiêm trũng có nghề thủ công dệt chiếu cói và sản xuất những sản phẩm từ cói. Chính lúc này, khi mà đồng cói phát triển vượt bậc, được mùa bội thu thì Nga Sơn lại đang đối mặt với khó khăn khôn lường, đó là giá cói xuống và không có đầu ra. Việc chuyển đất trồng cói sang trồng lúa chỉ là giải pháp tình thế, điều đáng mừng là bước đầu Nga Sơn đã có hướng đi cho cây cói. Đó là việc tích cực chủ động khơi thông thị trường tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu, đồng thời ổn định thị trường tiêu thụ nội địa và kiên trì khắc phục khó khăn của người trồng cói đã bao đời gắn bó với nghề truyền thống của quê hương.

 

Thực tế, ngày nay nghề thủ công truyền thống vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống gia đình và trong nền kinh tế của quê hương, đất nước. Với nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, sử dụng lao động tại chỗ, tranh thủ thời gian nông nhàn, vốn ít, thu hút nhiều lao động nên đã giải quyết tốt đời sống ở nông thôn.

 

Phát triển làng nghề thủ công truyền thống chẳng những giữ được nghề truyền thống cha ông - tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn tạo thêm việc làm, tăng thu nhập để bảo đảm đời sống cho người dân lao động, ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương. Bởi vậy, phục hồi, bảo lưu và phát triển nghề thủ công truyền thống của cha ông trên quê hương Thanh Hóa đã, đang được tiến hành là việc làm có ý nghĩa lớn lao nhằm góp phần phát triển kinh tế và bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa của quê hương và dân tộc.

Nguồn: Báo Thanh Hoá

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT