Hành trang lữ khách

Đặc sản vùng Bảy Núi (An Giang)

Cập nhật: 10/04/2008 14:04:13
Số lần đọc: 3758
Vùng Bảy Núi có nhiều đặc sản nhưng trước hết phải kể đến bánh xèo. Đây là loại bánh được bán nhiều nhất ở khu vực này. Dọc theo con đường từ Châu Đốc đến núi Cấm, khách có thể ghé bất kỳ quán nào, đong đưa trên cánh võng, thả hồn theo làn gió núi mát rượi để chờ chủ quán đổ những chiếc bánh nóng xèo xèo nghe đến vui tai.

Đã quen phục vụ khách hành hương viếng Phật nên nhiều quán bánh xèo bán cả loại bánh mặn và bánh chay. Bánh xèo mặn cũng giống như những nơi khác nhân tép, thịt, đậu xanh. Bánh chay có nhân đậu hũ, giá sống, song điều làm nên khác biệt và cũng có lẽ làm nên sức hút của bánh xèo núi Cấm là cả hai loại bánh đều có nhân là măng tươi. Giá bánh ở đây khá rẻ (chỉ từ 2.000 đến 4.000đồng/cái). Du khách ăn bánh sẽ thích thú với bữa “đại tiệc” rau rừng với hơn 20 loại rau, trong đó có nhiều loại rất khó thấy ở đồng bằng như đọt bứa, đọt kim thất, cát lồi...

Trên đỉnh núi Cấm có khá đủ loại nước uống để phục vụ du khách, giá cả không đắt hơn dưới đồng bằng là bao nhưng thức uống được nhiều người gọi nhất là nước thốt nốt, giá 3.000 đồng/ly. Nước đá thốt nốt ngọt ngào, mát lành mang đến cho du khách cảm giác là lạ thú vị và hấp dẫn khi được thưởng thức một thức uống đặc trưng của địa phương.

Sau khi xuống núi, khách có thể dừng chân ở Khu Lâm viên núi Cấm để nghỉ ngơi. Nhà hàng Kaolin nằm trong khuôn viên khu Lâm viên có rất nhiều đặc sản mang đặc trưng của vùng Bảy Núi như bánh thốt nốt, bánh canh Vĩnh Trung, bò nướng mè, sườn dê nướng, chạo cá ba sa...

Bánh thốt nốt được làm từ nước thốt nốt và gạo “nàng nhen” - thứ gạo đặc chủng chỉ trồng được ở vùng Bảy Núi. Người ta chọn gạo nàng nhen cũ đem xay thành bột rồi ủ một đêm, sau đó trộn với cùi và nước thốt nốt, nêm nếm theo bí quyết riêng rồi đem hấp. Những chiếc bánh thốt nốt tựa như bánh bò nhưng có màu vàng tự nhiên, mùi thơm lừng, vị ngọt, béo vừa phải khiến khách không chỉ ăn mà còn mua về làm quà.

Thất Sơn còn có một món ăn khá nổi tiếng là bánh canh Vĩnh Trung. Bột để làm bánh cũng được chế biến từ gạo nàng nhen nên thơm ngon, cọng bánh dẻo dai, trong và dẹp. Ban đầu, người ta chỉ dùng nước súp nấu từ xương heo và dùng giò heo để bán kèm với bánh nhưng sau này món bánh canh được chế biến thành đủ loại: bánh canh gà, tôm, thập cẩm cá tôm, bò... Giá của một tô bánh canh từ 7.000 đến 10.000 đồng nên bánh canh Vĩnh Trung rất được khách hành hương ưa chuộng.

Ngoài ra khu Lâm viên núi Cấm còn có rất nhiều loại bánh dân dã, quen thuộc với du khách và tiện lợi để mang theo ăn dọc đường như bánh bò, bánh đậu xanh, bánh da lợn... mang hương vị của vùng Thất Sơn.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục