Hành trang lữ khách

Làng gốm Bát Tràng

Cập nhật: 30/01/2013 14:53:18
Số lần đọc: 1580
Từ trung tâm Hà Nội, qua sông Hồng, xuôi theo đường đê thênh thang gió, sau gần 1 giờ đồng hồ tôi có mặt tại chợ gốm làng cổ Bát Tràng.

Ấn tượng đầu tiên là sự nhộn nhịp, đông vui của khu trung tâm – cũng có thể xem như khu chợ chính của làng cổ Bát Tràng. Bước qua cổng chợ, trước mắt tôi hiện ra những gian hàng nào bát, đĩa, cốc chén, lục bình… với đủ những gam màu. Tôi thích những đồ gốm men lam, men rạn nên chọn mua cho mình vài món đồ nho nhỏ. Thấy tôi hơi tần ngần vì giá cả, người bán hàng giải thích: Để có được những sản phẩm này thì phải tốn rất nhiều công và không dễ thành công. Sau một hồi chọn lựa, tôi cũng mua được 3 món đồ ưng ý.

 

Dạo quanh chợ một vòng, mới thấy Bát Tràng đã khác trước rất nhiều. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống với màu men đặc trưng trầm mặc, đã xuất hiện những sản phẩm mới với màu sắc rực rỡ, tươi mới như những chiếc bình nước, bát thả hoa hay những chiếc lọ đựng thực phẩm, 12 con giáp ngộ nghĩnh và vòng đeo tay. Thoảng trong gió tôi nghe có tiếng linh phong nhẹ nhàng, trong trẻo. Đó chính là những thanh âm vang lên từ chiếc chuông gió ngộ nghĩnh được làm từ gốm. Khách đến chơi chợ rất đa dạng. Những cô cậu học trò, sinh viên rủ nhau dã ngoại, một vài cặp vợ chồng già thong dong ôn lại ngày xưa. Đông nhất là những vị khách người lớn, tự chủ về kinh tế, đến để mua đồ. Tại chợ có vô số mặt hàng nên khách tham quan rất dễ dàng lựa chọn cho mình những món đồ phù hợp hay làm kỷ niệm.

 

Chừng đã mỏi chân, tôi ghé vào một xưởng để trải nghiệm quy trình làm gốm. Vừa bước chân vào xưởng, một thanh niên đưa cho tôi nắm đất sét bằng lòng bàn tay rồi hướng dẫn quá trình vuốt, nặn và vẽ. Nhìn sang bên cạnh, tôi thấy khá nhiều bạn trẻ và cả những em bé chừng 5 tuổi, đều say mê sáng tạo tác phẩm. Bùn sét bắn lên người, lên tay, mặt mũi cũng dễ bị lấm lem nhưng không che được sự hứng khởi trên từng khuôn mặt. Với những người lần đầu nặn, vuốt thì không dễ có ngay được tác phẩm hoàn chỉnh. Sau nhiều lần đập đi làm lại, nhờ có sự giúp đỡ của nhân viên trong xưởng, tôi đã hoàn thành tác phẩm là một chiếc cốc miệng hình trái tim. Đợi chừng 30 phút để sản phẩm được nung tạm, sấy khô, tôi hồi hộp mang tác phẩm của mình vào khu tô vẽ. Sau một hồi hý hoáy, tô tô, vẽ vẽ, chiếc cốc trái tim của tôi đã hoàn thành. Thú vị không kém, tác phẩm tự tay làm qua 3 công đoạn vuốt – nặn – vẽ của tôi chỉ tốn chi phí 30.000 đồng. Chiếc cốc ấy sau khi về được đặt trang trọng trên chiếc bàn làm việc của tôi, ghi dấu một ngày thú vị ở làng gốm Bát Tràng. Và cũng để nhắc tôi sẽ quay lại thăm Bát Tràng, để tìm hiểu kỹ hơn về công đoạn sản xuất cũng như tinh hoa của men gốm, để gặp được hồn Việt nơi những ngõ nhỏ với hàng gạch rêu phong hay những ngôi nhà cổ cũ kỹ với nhiều kỷ niệm./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục