Non nước Việt Nam

Tô tấu phắc sáy (Rùa ấp trứng) - trò chơi dân gian độc đáo của dân tộc Lào

Cập nhật: 25/01/2013 10:26:00
Số lần đọc: 2874
Cũng như đồng bào các dân tộc khác, bà con dân tộc Lào Điện Biên luôn coi lễ hội là những hoạt động tâm linh, tín ngưỡng, là dịp để con người hoà mình với thiên nhiên, với cộng đồng. Lễ hội trong một năm của đồng bào có rất nhiều, nhưng lớn nhất phải kể đến là lễ “Căm bản căm mường”.

Lễ căm bản căm mường thường được tổ chức vào các ngày 30, mồng 1 và mồng 2 Tết Nguyên đán hàng năm.   

Vào những ngày đó, tại “đông xên” (rừng cấm), trong khói hương trầm mặc và không khí trang trọng linh thiêng, tất cả dân bản cùng “chẩu sửa” (Chủ áo) thành kính dâng lễ vật để tạ ơn trời đất, tổ tiên, thần linh, ma rừng ma núi... năm qua đã phù hộ độ trì cho mùa màng bội thu, con người khoẻ mạnh và cầu chúc cho mường bản bước sang năm mới luôn được yên vui, an lành, no đủ.

 

Kết thúc phần lễ là phần hội với một chương trình vui chơi giải trí gồm nhiều tiết mục hát dân ca, hát giao duyên, múa khèn, độc tấu nhạc cụ, múa lăm vông, xoè vòng thật tưng bừng, rộn rã. Cùng với nó là các trò chơi dân gian bắt nguồn từ cuộc sống lao động sản xuất, từ khát vọng vươn tới để chinh phục tự nhiên, chống thiên tai địch hoạ, bảo vệ mùa màng, bảo vệ cuộc sống yên vui, hạnh phúc cho dân bản với những trò chơi hay, sôi nổi và hấp dẫn như Phăn viêng (múa bắt chân bắt đầu), Tô tấu phắc sáy (Rùa ấp trứng), Tó má lẹ, vật, đẩy gậy, kéo co, đánh cù, én cáy... Trong đó Tô tấu phắc sáy là một trò chơi dân gian độc đáo, hấp dẫn, có sức lôi cuốn mạnh mẽ bởi cách chơi đơn giản, sôi nổi, không tốn kém lại tạo được không khí vui tươi phấn khởi cho mọi người trong dịp đầu xuân năm mới.

 

Về trò chơi này, truyện dân gian dân tộc Lào kể rằng: Thủa ấy lâu lắm rồi, bản mường đang yên vui, đầm ấm. Con người và muôn loài đang sống bên nhau chan hoà, đoàn kết... Bỗng một hôm giặc cướp kéo tới, mọi người đã kịp tản vào rừng lánh nạn. Chỉ còn lại một mình rùa với lòng căm ghét bọn giặc tàn ác, bất lương nên rùa quyết ở lại. Bọn giặc tràn vào bản thấy rùa chỉ có một mình, chúng hò hét xông lên hòng “giết người cướp của”. Rùa bình tĩnh chiến đấu, lúc vững chãi chặn đứng bước tiến quân thù, khi lại như một chiến xa “tả xung hữu đột” nghiền nát nát hàng ngũ quân thù khiến chúng kinh hồn bạt vía. Cuối cùng bọn giặc đã phải “bỏ của chạy lấy người”. Bản mường từ đó lại được yên vui và trò chơi tô tấu phắc sáy đã ra đời như một lời ca ngợi, một sự ghi nhận chiến công đánh giặc giữ bản giữ mường của dân tộc.

 

Để chơi trò “Tô tấu phắc sáy” người ta chỉ cần có một bãi đất trống tương đối bằng phẳng. Mỗi chiều dài, rộng khoảng từ 4 đến 5 mét và 10 hòn đá cuội, đường kính từ 2 đến 3 cm là trò chơi đã có thể bắt đầu. Mỗi lần chơi sẽ có 4 người cùng tham gia, một người làm rùa ấp trúng, 3 người làm kẻ cướp trứng. Thời gian chơi 10 phút một lần. Khi cuộc chơi bắt đầu, người làm rùa vừa phải giữ trứng, vừa dùng tay chân đánh lại kẻ thù. Ba tên cướp thì từ ba phía xông vào, chúng vừa tránh đòn, vừa tìm cách cướp trứng của rùa. Sau 10 phút, nếu bên cướp lấy hết số trúng của rùa thì bên cướp thắng. Nếu trứng rùa còn thì bên rùa thắng. Cứ như vậy, sau ba lần chơi bên nào thắng hai lần, bên đó thắng cuộc. Bên thắng cuộc được nhận một phần thưởng theo quy định của ban tổ chức. Phần thưởng có khi là những hiện vật có giá trị, nhưng cũng có thể chỉ là một chén rượu với lời chúc đầu xuân năm mới cho mỗi người nhưng ai cũng rất phấn khởi.

 

Tô tấu phắc sáy là một trò chơi tập thể, vui nhộn. Nó luôn đem lại cho mọi người những tiếng cười sảng khoái, hồn nhiên yêu đời, góp phần làm cho cuộc sống ngày thêm tươi đẹp. Hơn thế nữa “Tô tấu phắc sáy” còn là một cơ hội để người chơi rèn luyện thể lực, bồi bổ sức khoẻ và sự khéo léo để từ đó họ có thể vượt qua mọi gian khó hiểm nguy, giành lấy những gì là tốt đẹp nhất cho cuộc sống. Bởi thế trò chơi “Tô tấu phắc sáy” là một nét văn hoá độc đáo, tô điểm cho bản mường của đồng bào Lào, cho quê hương Điện Biên ngày thêm rạng ngời bản sắc./.

Nguồn: Sở VH,TT&DL

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT