Non nước Việt Nam

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của trà Thái Nguyên

Cập nhật: 24/01/2013 08:45:13
Số lần đọc: 2105
Tại Quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 22/1, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc của Trà Thái Nguyên, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, giới thiệu giá trị văn hóa Trà Việt Nam với đông đảo nhân dân trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, mục tiêu của Đề án còn nhằm thúc đẩy việc phục dựng, tạo lập và phát huy giá trị các hoạt động lễ hội, Festival Trà, nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, độc đáo của tỉnh Thái Nguyên; giúp người dân có cuộc sống vật chất, tinh thần phong phú, lành mạnh, văn minh; làm phong phú các hoạt động văn hóa, du lịch, dịch vụ liên quan đến Trà Thái Nguyên, tạo việc làm cho người dân trong tỉnh; phát triển các mô hình trồng và chế biến chè, xây dựng làng nghề chè truyền thống trong địa bàn tỉnh;…

Đề án được phê duyệt với 7 nội dung hoạt động chính:

Bảo tồn và phát triển các vùng chè, làng chè truyền thống nổi tiếng, gắn với phương thức sản xuất cổ truyền như: Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc Trại Cài, Sông Cầu; quy hoạch lại các vùng trồng chè để nâng cao năng suất, chất lượng và tính an toàn của nguyên liệu chè búp tươi.

Sưu tầm, tổng hợp, kiểm kê, bảo quản, lập hồ sơ khoa học và trưng bày, triển lãm các hiện vật, di vật cổ vật; khôi phục, giữ gìn, nâng cao chất lượng và phát huy các loại hình văn hóa nghệ thuật.

Nâng cao chất lượng và phát huy các lễ hội dân gian truyền thống của Thái Nguyên, văn hóa ẩm thực trà tại các cộng đồng dân cư; phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật đương đại, kết hợp hài hòa với các hình thức văn hóa dân gian truyền thống.

Hoàn thiện các cơ sở văn hóa, thể thao phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, cộng đồng và tổ chức Festival Trà Thái Nguyên: Bảo tàng tỉnh, Nhà văn hóa đa năng, Trung tâm Triển lãm văn hóa, Khu liên hợp thể thao, Trung tâm đua thuyền.

Đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ quản lý chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, các nhà nghiên cứu văn hóa; đào tạo kỹ năng, nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, giao tiếp và trình diễn nghệ thuật mời trà, thưởng trà.

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng, các dịch vụ, các sản phẩm tại các khu, điểm du lịch của tỉnh để có thể kết nối, hình thành tour – tuyến du lịch nội tỉnh và các tỉnh đến với Festival Trà Thái Nguyên; tập trung phát triển các tour – tuyến du lịch, điểm du lịch gắn với làng nghề.

Tổ chức Festival Trà Thái Nguyên định kỳ 2 năm một lần; thời gian tổ chức vào quý IV của năm tổ chức theo định kỳ.

Theo Đề án, từ năm 2013 đến 2015, điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các giá trị văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo tồn, phát triển các làng nghề chè truyền thống gắn kết với phát triển du lịch; tổ chức Festival Trà Thái Nguyên; đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, công tác tuyên truyền.

Từ năm 2016 đến năm 2020, tiếp tục triển khai các nội dung hoạt động của giai đoạn I và phát huy các kết quả đã đạt được./.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT