Non nước Việt Nam

A gừ, A quý – Trò chơi dân gian của dân tộc Hà Nhì (Điện Biên)

Cập nhật: 24/01/2013 10:11:24
Số lần đọc: 2900
Cũng như tất cả các dân tộc anh em khác ở Điện Biên, đồng bào Hà Nhì cũng có nhiều lễ hội và sau phần lễ trang nghiêm bao giờ cũng là phần hội tưng bừng, rộn rã với các điệu múa Ôóc ga gừ, K’ho dừa dừa, lù dì mua, du tu mú .v.v. với đội hình nam nữ dập dìu, duyên dáng trong tiếng đàn hót tờ ơ khoan nhặt, trữ tình và những bài hát ống với lời ca giao duyên đằm thắm của nam nữ thanh niên...

                                      Anh từ rừng xa đến

                                      Không hẹn mà gặp em trong ngày hội

                                      Ước gì chúng mình được chung chăn

                                      Chung một bếp lửa hồng...

 

Cùng với các tiết mục văn nghệ, lễ hội của người Hà Nhì không thể thiếu các trò chơi dân gian đặc sắc như chơi cù, chọi gà, bắn nỏ, tung còn, chơi đu .v.v. trong đó chơi đu - đu dây và đu quay (A gừ và A quý) là hai trò chơi hấp dẫn nhất, thu hút nhiều người chơi nhất, đặc biệt là với nam nữ thanh niên, lớp người trẻ tuổi dũng cảm và hiếu động. 

Công việc chuẩn bị cho trò chơi này được tiến hành khá chu đáo: ngay từ mấy hôm trước ngày lễ, một số thanh niên trai tráng đã được cử vào rừng để chọn, chặt, mang về những cây gỗ chắc, khoẻ và thẳng, có độ dài vừa đủ để làm đu. Sân đu là một cái sân rộng, cũng có thể là một bãi đất phẳng cạnh bản. Để làm đu dây (a gừ) người ta lấy 4 cây gỗ chôn xuống đất thành 2 chiếc cột hình chữ A, cách nhau khoảng 2 mét. Xà đu gọi là “su úa” bắc qua 2 cột. Dây đu buộc từ xà đu dòng xuống bàn đệm; bàn đệm là một tấm ván gỗ có chiều dài đủ cho hai người đứng nhún. Với đu quay (a quý) người ta dựng một cây trục chắc khoẻ, cao cách mặt đất chừng một mét, trên đầu trục đục vam. Ở giữa dựng cần đu gọi là soóc cua có chiều dài từ 6 mét đến 6 mét 40, chia cân bằng hai bên và ở hai đầu cần đu có đóng tay nắm an toàn. 

 

Bắt đầu cuộc chơi, thanh niên nam nữ Hà Nhì trong trang phục ngày hội từng đôi, từng đôi một thay nhau chơi đu dây (A gừ), họ khéo léo, nhịp nhàng đu mình lên cao trong tiếng vỗ tay, tiếng hò reo cổ vũ vang dội của mọi người. Những tà áo dài của chị em phụ nữ phấp phới tung bay trong nắng xuân tạo nên một bức tranh sinh động, đẹp tươi giữa vùng rừng núi mênh mông, trùng điệp khiến ai đã một lần được thưởng thức đều khó có thể quên. Bên cạnh “A gừ” uyển chuyển, duyên dáng, khéo léo và nhịp nhàng là đu quay (A quý) sôi nổi, hào hứng và náo nhiệt: Ở mỗi bên cần đu luôn có 4 người, tay ôm, bụng áp vào cần đu, chân đạp mạnh xuống đất từ 4 đến 6 bước đẩy cho đu quay rồi duỗi thẳng chân lên song song với mặt đất. Họ thay nhau đạp đẩy cho cần đu quay tít, vừa đạp đẩy người chơi vừa phải giữ cho thăng bằng, vừa phải bám sao cho chắc để không bị rơi xuống đất, nếu bên nào không giữ được thăng bằng là thua cuộc. Bên thua cuộc sẽ bị một nhóm khán giả bẹo tai và bắt thổi kèn áp pa gù mí (một loại kèn cuốn lá). Thổi kèn ấy là đã nhận mình thua cuộc. Cứ như vậy cuộc chơi diễn ra liên tục, sôi động, vui vẻ, làm cho không khí ngày xuân thêm ấm áp. 

 

Trò chơi “A gừ” và “A quý” của người Hà Nhì tuy không mang tính thi đấu gay go quyết liệt như một số trò chơi khác, nhưng nó lại là một trò chơi để rèn luyện sức khoẻ và thử thách lòng dũng cảm, không sợ hiểm nguy đối với người chơi. Mặt khác theo quan niệm của người Hà Nhì, chơi đu mang một ý nghĩa khác là để cầu xin tổ tiên, trời đất, thần linh phù hộ độ trì cho năm mới làm ăn thuận lợi, cuộc sống dân bản được ấm no, hạnh phúc. Do đó chơi đu chưa bao giờ và có lẽ sẽ không bao giờ vắng mặt trong các lễ hội của người Hà Nhì./.

Nguồn: Sở VH,TT&DL Điện Biên

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT