Hành trang lữ khách

Du lịch hoài niệm thắp sáng niềm tin

Cập nhật: 01/09/2008 09:09:35
Số lần đọc: 2245
Việt Bắc, Tây Bắc không chỉ là những tên đất, tên người, tên làng, tên bản, tên dốc, tên đèo, tên rừng, tên núi đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc ta mà cao hơn thế, sâu rộng hơn thế và cũng vinh quang hơn thế, đất và người Việt Bắc, Tây Bắc đã trở thành niềm tự hào của cả nước, niềm tin của những người lao khổ với giấc mơ giải phóng, giấc mơ độc lập, tự do.

Ở đâu đau đớn giống nòi,

Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.

(Tố Hữu)

Việt Bắc, Tây Bắc không chỉ ghi dấu ấn sâu sắc trong trái tim nhiều thế hệ cách mạng Việt Nam, mà còn là nơi lưu giữ biết bao tình cảm quốc tế sâu đậm, tình đoàn kết của những người anh em gần xa gắn bó với cách mạng Việt Nam, nhân dân Việt Nam ngay từ những ngày đầu cách mạng đầy gian khổ. Có thể nói, khi nhắc tới Việt Bắc, Tây Bắc nhiều người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế đã có mặt nơi đây đều có một tâm trạng rất giống nhau, đó là bồi hồi xúc động, ký ức về quá khứ dồn dập tràn về, và không dừng lại ở đó mà thôi thúc ta, nhắc nhở ta nghĩ đến hiện tại, hướng tới tương lai với một niềm lạc quan, tin tưởng kỳ lạ: tin tưởng ở con người, con người với đức hy sinh cao cả, lòng vị tha, tình đoàn kết vì độc lập, tự do của dân tộc, vì một thế giới hòa bình, tự do, bác ái.

 

Như vậy Việt Bắc, Tây Bắc không chỉ sống mãi với những chiến tích lẫy lừng, với chiến khu xưa bền bỉ kiên cường, mà cao hơn thế nó là nơi để con người chiêm nghiệm về những điều có tính triết lý nhân sinh; nó là đất sống của niềm tin, đất sống của tương lai tốt đẹp. Chính vì thế, nhiều thế hệ con cháu các nhà cách mạng Việt Nam, con cháu những người ngoại quốc đã có mặt ở Việt Bắc, Tây Bắc (kể cả những người đã từng là phía bên kia của cách mạng Việt Nam) đều có nhu cầu trở về với Việt Bắc, Tây Bắc xưa, đến với Tây Bắc, Việt Bắc hôm nay, và hình dung về Việt Bắc, Tây Bắc ngày mai, Việt Nam ngày mai.

 

Tôi hoan nghênh sáng kiến của nhóm nghiên cứu đề tài. Từ Hội thảo Quảng Trị 2005 mà tôi cũng có tham gia, nay các đồng chí lại tiếp tục cùng các tỉnh thuộc Việt Bắc, Tây Bắc ngồi thảo luận về Du lịch Hoài niệm chiến trường xưa Việt Bắc, Tây Bắc. Tôi nghĩ, Du lịch Hoài niệm không chỉ để nghỉ ngơi, để thăm thú, trở về đơn thuần mà Du lịch Hoài niệm còn là dịp để chúng ta hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn về quá khứ, tiếp tục vững vàng hơn với hiện tại, tin tưởng, lạc quan hơn với tương lai. Du lịch Hoài niệm để ta hiểu ta hơn, ta hiểu bạn bè chúng ta hơn và cũng là để bạn bè hiểu chúng ta hơn. Du lịch Hoài niệm còn là cầu nối các thế hệ Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng: kiên cường, sáng tạo, thắng lợi, vẻ vang; là những buổi học ngoại khóa giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn hết sức bổ ích. Du lịch Hoài niệm phải góp phần làm cho Việt Bắc, Tây Bắc giàu đẹp hơn, nhịp bước cùng cả nước tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Với ý nghĩa đó, tôi xin gợi ý cùng Hội thảo đôi điều:

 

Nghiên cứu phát triển du lịch nói chung và Du lịch Hoài niệm về Việt Bắc, Tây Bắc là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cần nghiên cứu cho sâu sắc, trên cơ sở đó vạch ra kế hoạch, lộ trình xây dựng và phát triển khả thi vừa có hiệu quả kinh tế vừa có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng, đồng thời góp phần thực hiện chính sách ngoại giao: là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế.

 

Nghiên cứu Du lịch Hoài niệm không phải là công trình khoa học có tính kinh điển; bởi vậy, đề nghị các đồng chí lưu ý ngay khi nghiên cứu phải tập trung sức lực, trí tuệ và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các địa phương đề ra các giải pháp có tính khả thi và sớm đưa vào áp dụng có hiệu quả. Tránh việc nghiên cứu, hội thảo, nghiệm thu rồi để đó, không giúp ích được gì cho cuộc sống hiện thực của đồng bào các dân tộc Việt Bắc, Tây Bắc.

 

Phát triển Du lịch Hoài niệm nói riêng và du lịch nói chung là phát triển một lĩnh vực mà Việt Bắc, Tây Bắc đang có tiềm năng lớn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Việt Bắc, Tây Bắc. Bởi vậy, phát triển Du lịch Hoài niệm phải có hiệu quả kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời cần bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Bắc, Tây Bắc, phải làm cho núi rừng, môi trường, sinh thái Việt Bắc, Tây Bắc xanh, sạch, đẹp, phong phú hơn; các di tích lịch sử và cách mạng được gìn giữ và phát huy tốt hơn; đồng bào các dân tộc Việt Bắc, Tây Bắc có cuộc sống tốt, gắn bó với nhau hơn thành một khối thống nhất, vững chắc, kiên cường, là tương lai tươi sáng của cách mạng Việt Nam.

Nguồn: QDND

Cùng chuyên mục