Hành trang lữ khách

Hòn Sơn Rái (Kiên Giang) với nước mắm cá cơm sọc

Cập nhật: 26/08/2008 14:08:17
Số lần đọc: 3287
Từ nhiều thế kỷ trước, Hòn Sơn Rái nằm giữa Hòn Tre đã là trung tâm của huyện và quần đảo Nam Du bốn bề sóng biển. Từ năm 1983 đến nay, xã hòn này có tên Lại Sơn, thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cách Rạch Giá hơn 50 km đường biển.

Nằm trong khu vực tam giác biển Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc, trước đây nơi này được thuyền buôn các nơi lui tới tấp nập. Các mặt hàng được ưa chuộng nhất là cá khô, mắm ruốc, hải sâm, bóng cá, đồi mồi, đặc biệt là nước mắm…

Từ bến cảng Rạch Giá, vượt biển thẳng hướng Tây 28 km là đến Hòn Tre, từ đó đi chếch về hướng Nam thêm 25 km nữa là đến Bãi Nam của hòn Sơn Rái.

Sơn Rái hôm nay có hơn 800 hộ với trên 9.000 nhân khẩu. Ngoài những di tích văn hóa lịch sử có giá trị như miếu bà Chúa Hòn, đền thờ Nam Hải Đại tướng quân và đình Nguyễn Trung Trực có kiến trúc mang đậm dấu ấn Đông phương, nơi đây còn nhiều bãi tắm đẹp, thu hút du khách đến mở rộng tầm nhìn nước biển xanh trong màu ngọc bích, thưởng thức gió biển mát rượi, nghe tiếng chuông chùa Hải Sơn Tự ngân nga để lòng được thanh thản, quên đi những ngày lao động vất vả đã qua.

Cát ở bãi Thiên Tuế trắng mịn như pha lê. Bên bãi Nhà, trên đỉnh cao là lăng Ông Nam Hải nằm uy nghi trước biển như tấm lá chắn vô hình chở che cho những ngư phủ gặp khó khăn trên biển cả. Phía trái Sơn Rái còn có bãi Giếng nhìn ra biển và ở đó có một khối đá to như đón chào du khách phương xa. Tắm biển xong, khách có thể thưởng thức nước dừa xứ biển trồng trên đồi cao có vị ngọt không thua nước dừa xiêm Bến Tre.

Từ lâu, dân trên đảo thường tập hợp lại thành những làng nghề trên biển. Thuở xưa, tôm cá bắt được chỉ đủ tiêu dùng. Dần dà, họ đã biết tích trữ thực phẩm phòng khi có mưa bão, dông tố kéo dài bằng cách chế biến cá bạc má, cá mòi, cá ba thú… theo dạng khô hoặc xếp vào thùng hoặc vỉ tre, sau đó đem hấp chín như các loại cá.

Tại vùng biển đảo, cư dân địa phương thường hát:

Để cho đôi trẻ nên duyên,

Lão ông thách cưới một thiên cá mòi.

Một số bô lão địa phương kể rằng thiên nhiên đã ban tặng cho hòn Sơn Rái nguồn cá nhỏ nổi theo đàn, nhưng thịt bở, ít xương nên bà con đã sáng tạo ra cách làm nước mắm. Các gia đình cứ cho cá ướp vào lu, hũ, khạp đem phơi nắng rồi khuấy đều, đậy nắp lại. Vài tháng sau họ đem ra nấu, lọc lấy nước mắm, còn xác cá thì bỏ đi.

Đối với sản vật nổi tiếng của địa phương, không biết từ bao giờ trong dân gian đã truyền tụng câu ca dao:

Nước mắm hòn dầm con cá bẹ,

Bởi mê nước mắm hòn, em trốn mẹ theo anh.

Câu ca dao trên nêu lên tính chất độc đáo của loại nước mắm hòn có nguồn gốc chính hiệu ở hòn Sơn Rái. Vào đầu thế kỷ XX, hòn Sơn Rái là nơi sản xuất nhiều loại nước mắm có tiếng thơm ngon và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hoàn toàn không thua kém nước mắm Phú Quốc. Đã có nhiều thương nhân vận chuyển nước mắm đi bán ở Cần Vọt (Kampot, Campuchia) và các nơi trong nước.

Cơ sở sản xuất nước mắm hòn Sơn Rái có tiếng lâu đời nhất là Đức Ngươn, trước đây do ông Phan Văn Khôn (Mười Khôn) làm chủ. Hiện nay ông đã già yếu nên giao lại cho con là Phạm Văn Ngoan nối nghiệp. Anh Triệu Hoàng Phương, chủ doanh nghiệp Phương Khanh, hoạt động đã hơn 15 năm, cho hay rằng để chủ động về nguồn nguyên liệu, hầu hết các chủ cơ sở sản xuất nước mắm đều có tàu đánh bắt cá cơm, mỗi chiếc trị giá hàng trăm triệu đồng.

Đánh bắt cá cơm phải theo mùa, từ tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch là mùa chính, ở gần hòn Củ Tron, quần đảo Nam Du hoặc hòn Thơm (Phú Quốc). Nước mắm hòn loại cốt nhĩ 40-41 độ đạm giá chỉ 40.000 đồng một lít, thấp hơn nước mắm Phú Quốc chừng 15.000 đồng. Khách du lịch, đặc biệt là Tây ba lô, mỗi lần đến thăm hòn Sơn Rái đều yêu cầu được tham quan các cơ sở làm nước mắm. Tại đó, có người dùng ngay nước mắm chấm với các món ăn như tôm, ghẹ luộc, mực hấp gừng một cách ngon lành.
Nguồn: Báo Bình Dương

Cùng chuyên mục