Non nước Việt Nam

Văn hóa hôn nhân của dân tộc Cờ Lao

Cập nhật: 11/10/2012 10:10:20
Số lần đọc: 2468
Dân tộc Cờ Lao thực hiện hôn nhân một vợ một chồng, cư trú bên nhà chồng và ngoại hôn dòng họ. Trong truyền thống, đồng bào chấp nhận lấy vợ, lấy chồng đổi nhau giữa các gia đình (con trai nhà này lấy con gái nhà kia và ngược lại con trai nhà kia lại lấy con gái nhà này).

Đồng thời cũng cho phép thực hiện hôn nhân anh em chồng (anh chết, em lấy chị dâu làm vợ, hoặc em chết, anh lấy em dâu làm vợ). Phong tục này trước kia là nguyên tắc hôn nhân bắt buộc vì liên quan tới thừa kế tài sản, bảo toàn của cải gia đình dòng họ. Nhưng hiện nay đã có thay đổi, không còn bắt buộc nữa.

 

Phong tục ở rể của người Cờ Lao không phổ biến, nếu gia đình nào không có con trai thì họ được quyền lấy chàng rể về thờ cúng tổ tiên bên vợ và chàng rể được quyền thừa kế tài sản nhà vợ nơi mình ở rể. Tục lệ cưới xin của người Cờ Lao có nhiều bước: dạm hỏi, sêu tết và cưới.

 

Bên cạnh cách cưới xin thông thường trong vùng đồng bào Cờ Lao vẫn tồn tại cách hôn nhân theo hình thức cướp vợ nhưng đây chỉ là nghi thức truyền thống còn rớt lại và cơ bản vẫn theo sự thuận tình của đôi lứa và đôi bên gia đình, họ mạc.

 

Ở đồng bào Cờ Lao Xanh lúc đón dâu, chàng rể mặc áo xanh quấn khăn đỏ quanh người. Cô dâu búi tóc ngược thành chỏm trên đỉnh đầu, khi bước qua cổng nhà, cô dâu dẫm vỡ một cái bát sứ, một cái muôi gỗ.

 

Ở người Cờ Lao Đỏ, cô dâu chỉ về nhà chồng một đêm rồi trở lại nhà mình ngay và ở đó suốt một năm. Thỉnh thoảng chồng mới được sang thăm vợ, sau một năm mới được đón vợ về hẳn nhà mình. Đây là hình thức hôn nhân cư trú bên nhà vợ hình thành từ xa xưa vẫn còn sót lại ở người Cờ Lao nhưng hiện nay tục lệ này đã giảm dần.

 

Lúc mang thai, phụ nữ Cờ Lao trải qua nhiều kiêng cữ để mong đẻ dễ và dễ nuôi con trẻ. Nhau thai đem đốt thành tro than mang vào rừng sâu chôn nơi hốc đá ngăn không cho lợn dẫm vào, nếu không trời sẽ sinh ra sấm sét bất lợi cho con người. Sinh con trai sau ba ngày ba đêm, sinh con gái sau hai ngày đêm bố mẹ làm lễ đặt tên con. Đứa trẻ được tắm rửa, mặc quần áo mới. Bố mẹ thịt gà cúng thần, cúng tổ tiên, làm lễ trừ tà ma cho đứa trẻ. Nếu là con đầu lòng thì bà ngoại sẽ là người đặt tên và ông cậu tặng quà cầu phúc.

 

Gia đình dân tộc Cờ Lao là gia đình nhỏ phụ quyền. Trong gia đình thông thường có vợ chồng và những đứa con. Trong nhiều trường hợp cả ông và con trai lớn đã có vợ con. Người cha có quyền quyết định những việc quan trọng của gia đình. Con trai được thừa kế tài sản.

 

Ngày nay, người Cờ Lao tiếp thu được nhiều giá trị mới văn minh, tiến bộ trong tình yêu và hôn nhân. Đặc biệt, Luật hôn nhân và gia đình đi vào cuộc sống của đồng bào đảm bảo cho những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy ở gia đình và cộng đồng.

 

Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam có ngôi làng Cờ Lao truyền thống với những mái ấm cổ truyền thân thiết mang dáng dấp nguyên sơ, nguồn cội. Nơi đây hứa hẹn là nơi sẽ phục dựng để quảng bá những nét đẹp trong văn hóa gia đình, hôn nhân và sinh hoạt lễ hội của cộng đồng người Cờ Lao khi bà con luân phiên việc vận hành khai thác và quảng bá./.

Nguồn: LangvietOnline

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT